28/09/2020 1:23  
Từng rơi vào tình trạng bão hòa dù vẫn “chiếm sóng” trên giờ vàng của các kênh lớn, gần đây trò chơi truyền hình (truyền hình thực tế, game show) chủ đề âm nhạc dường như đang lấy lại phần nào sức hút? 

Còn nhớ, năm 2010 Việt Nam Idol (Thần tượng âm nhạc) ra mắt đã lập tức tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng khán giả. Tiếp đó, một loạt trò chơi âm nhạc trên truyền hình khác nối nhau ra đời. Trong đó Giọng hát Việt (2012) tiếp sức cho Việt Nam Idol cùng khuấy động thị trường trò chơi truyền hình. Năm 2014, Gương mặt thân quen tạo cú “hit” về sức hút khán giả và doanh thu quảng cáo kỷ lục cho nhà đài. Hai năm sau (2016), đến lượt Sing my song lại gây “sốt” trên sóng “giờ vàng” cuối tuần.

Nhưng rồi vì nhiều lý do khách quan và chủ quan trong các năm 2017-2018 trò chơi âm nhạc trên truyền hình giảm dần sức hút, ngay cả thể loại bolero từng rộ lên cũng bão hòa từ năm 2019. Trong khi đó, trò chơi truyền hình về chủ đề hẹn hò, tình yêu, vợ chồng, ẩm thực, hay mang đậm tính giải trí, hài kịch hoặc trí tuệ... lên ngôi, nối nhau chiếm sóng hằng ngày trên các kênh lớn.

Sang nửa đầu năm 2020, các trò chơi âm nhạc như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí... đều chưa khởi động. Còn Vietnam Idol, Vietnam Idol Kids, Sing my song, Ban nhạc Việt, Cặp đôi hoàn hảo, The Debut... đã dừng sản xuất. Bởi hệ quả từ việc giảm rating khán giả và doanh thu quảng cáo.

Nhưng may mắn thay, từ giữa năm 2020 đến nay trò chơi âm nhạc có phần khởi sắc với một số chương trình mùa trước từng “gây sốt” như Sàn chiến giọng hát, Giọng ải giọng ai... và đặc biệt là mới ra mắt như King of Rap, Rap Việt, Ca sĩ ẩn danh trên sóng “giờ vàng” VTV, HTV. Trong đó, King of rapRap Việt cùng chung mục tiêu tìm kiếm tài năng nhạc rap và lần đầu tiên rap/hip-hop lên sóng truyền hình với format mới và những gương mặt giám khảo, thí sinh mới. Rất nhanh chóng, Rap Việt chỉ sau vài giờ ra mắt đã đạt hơn 6 triệu lượt xem, giữ top 1 trending YouTube và King of Rap đứng ở vị trí thứ 4 với hơn 2 triệu lượt xem. Cả hai trò chơi này đều đang gây “bão” từng tập với chỉ số rating khán giả ngày càng tăng.

Không rình rang khi ra mắt nhưng Ca sĩ ẩn danh cũng lập tức thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả. Theo đơn vị sản xuất Mega GS Entertainment, sau khi lên sóng tập 1, Ca sĩ ẩn danh đã đạt mức rating lên đến 8.3 tại khu vực Hà Nội và tính chung cả nước đạt mốc 3.3 - một chỉ số đáng mơ ước hiện nay. Ca sĩ ẩn danh không thi tài năng mà thu hút khán giả bởi “những bài nhạc xưa hoài niệm, âm thanh, màu sắc lung linh, vũ đạo tuyệt vời, hài hước, bất ngờ...”.  

Dễ nhận thấy, phần lớn trò chơi truyền hình chủ đề âm nhạc đình đám từ trước đến nay đều được mua bản quyền từ các format đã rất thành công ở nước ngoài.Rap Việt có nguồn gốc từ The Rapper (Thái Lan). King of Rap lấy bản quyền từ Show me the money của Hàn Quốc. Ca sĩ ẩn danh được mua bản quyền từ Shadow Singer (Hàn Quốc). Một yếu tố làm nên thành công của chúng là sự góp mặt của những nghệ sĩ tên tuổi. Ngoài MC Trấn Thành, Rap Việt quy tụ dàn rapper được yêu thích trên ghế nóng giám khảo: Wowy, Binz, Suboi, Karik, JustaTee, Rhymastic. King of Rap sở hữu những rapper tiếng tăm: Lil’Shady, LK, BigDaddy, Đạt Maniac.

Không chịu kém cạnh, Ca sĩ ẩn danh có dàn nghệ sĩ được đông đảo khán giả đại chúng mến mộ như: NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, Phương Dung... Một yếu tố nữa là các trò chơi này đều chú ý đến đối tượng khán giả. Các ca khúc xuất hiện trong trò chơi khá đa dạng, phù hợp với khán giả từ trẻ đến già. Theo đại diện của Mega GS - nhà sản xuất của Ca sĩ ẩn danh thì ngoài yếu tố lạ, hay và hấp dẫn, trò chơi phải có những câu chuyện hậu trường, về người chơi, nhưng không được quá đi sâu vào đời tư để câu view...

Nhờ vậy, khán giả không chỉ được thưởng thức âm nhạc mà còn cảm nhận được những giá trị nhân văn, ý nghĩa nào đó từ nội dung của trò chơi truyền đạt. Chất hài hước cũng được đan xen vào vừa đủ. Đó là lý do giải thích vì sao Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, NSND Hồng Vân... vẫn được mời tham gia nhiều trò chơi âm nhạc, trong các vai trò khác nhau từ MC, giám khảo, khách mời... Tính thi thố của nhiều trò chơi âm nhạc hiện nay cũng giảm bớt, thay vào đó là để giải trí đơn thuần.

Ngoài các trò chơi âm nhạc kể trên, còn có Hãy nghe tôi hát (nhí), Người kể chuyện tình, Sàn đấu ca từ, Tặng em một bản tình ca, Ca sĩ bí ẩn, Người hát tình ca...vẫn nối nhau lên sóng. Sắp tới sẽ ra mắt một số trò chơi âm nhạc mới như Và tôi vẫn hát dành cho thí sinh yêu thích ca hát tuổi trung niên, Bài hát đầu tiên - lấy ca sĩ và âm nhạc làm nền tảng nhằm tôn vinh sự nghiệp và tri ân những nghệ sĩ... Như vậy, trò chơi âm nhạc vẫn tiếp tục được các nhà sản xuất quan tâm.

Tuy không còn thật “đình đám” như trước kia nhưng trò chơi âm nhạc phù hợp và dễ tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn so với trò chơi truyền hình chủ đề hẹn hò, hay ẩm thực, trí tuệ. Đặc biệt trong hoàn cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, phần lớn chương trình âm nhạc biểu diễn trực tiếp phải hủy hay tạm ngưng hoặc rất khó khăn khi tổ chức và tâm lý của rất nhiều công chúng còn ngại hay hạn chế đến nơi đông người để phòng tránh lây nhiễm... thì các trò chơi âm nhạc nói riêng và chương trình giải trí nói chung trên truyền hình luôn là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu giải trí tại gia của các gia đình.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


thành công   Covid