5 sự thật ít biết về doanh nhân

28/09/2020 7:31  

Trước khi bắt đầu con đường trở thành doanh nhân, mỗi người cần xem xét kỹ lưỡng tất cả mọi khía cạnh của đời sống kinh doanh để biết được đây có phải là một quyết định đúng đắn và phù hợp với mình hay không.

Không thể phủ nhận rằng các doanh nhân là những “ngôi sao”. Họ tạo nên những câu chuyện thành công tuyệt vời. Họ truyền đạt những kinh nghiệm, bí quyết vượt qua khó khăn, thử thách. Và các thông điệp này của họ dễ dàng truyền cảm hứng, khiến nhiều người khác cũng muốn lập tức bỏ việc để ra mắt một dự án kinh doanh rồi kiếm về hàng triệu đô la.

Tuy nhiên sự thật là, cứ trong 4 startup thì có 3 startup thất bại, theo Báo cáo sâu về sự thất bại của startup do CB Insights thực hiện. Tại sao lại như vậy? Bởi vì việc sáng lập ra một công ty là một việc khó khăn hơn mức nhiều người vẫn nghĩ. Đằng sau hình ảnh thành đạt, lịch lãm của giới doanh nhân, có rất nhiều yếu tố ẩn chìm, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống và thậm chí là sức khỏe của họ.

Trong một bài viết trên Forbes, Milan Reinartz – nhà sáng lập Công ty Postr Media, một trong những người thuộc danh sách 30 người dưới 30 tuổi thành công ở châu Á do Forbes bình chọn (Forbes 30 Under 30 Asia) – cho biết, dưới đây là 5 sự thật vị doanh nhân trẻ này ước ao được biết khi mới bắt đầu xây dựng công ty riêng.

1. Bạn chỉ giỏi bằng những người xung quanh mình

Có một niềm tin phổ biến rằng nhà sáng lập của một công ty/tổ chức là người thông minh nhất, có thể một mình đưa “con thuyền tập thể” đến bến bờ thành công. Đây hoàn toàn là một cách nghĩ sai lầm. Nếu một công ty startup muốn phát triển lớn mạnh, nhà sáng lập phải tìm ra những người phù hợp để sát cánh với mình, vì bạn không thể luôn là người thông minh nhất.

Nghe có vẻ dễ thực hiện, nhưng điều này thực sự là một thử thách khó khăn đối với một nhà sáng lập startup. Việc sở hữu một đội ngũ mạnh mẽ đòi hỏi phải có sự khiêm tốn: nhà sáng lập phải chấp nhận rằng những kỹ năng của họ có giới hạn và nhận ra khi nào họ cần những kỹ năng của người khác.

Khi ra mắt công ty ở tuổi 25, tôi nhanh chóng nhận ra rằng tôi cần có một đội ngũ quản lý giỏi và sự hướng dẫn từ những chuyên gia. Không chỉ thuê một đội ngũ quản lý gồm những bậc đàn anh đàn chị giỏi chuyên môn, tôi còn tìm kiếm sự cố vấn từ những chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm về công nghệ quảng cáo, viễn thông và kinh doanh. Cách làm này đã được chứng minh hiệu quả khi công ty của tôi phát triển nhanh chóng và nhiều cố vấn sau đó đã trở thành nhà đầu tư, thậm chí trở thành thành viên trong hội đồng công ty.

2. Tính thực tế hữu dụng hơn chủ nghĩa hoàn hảo

Nhà sáng lập startup thường là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Chúng ta bắt đầu kinh doanh vì muốn giải quyết các vấn đề mình nhìn thấy đang tồn tại trên thế giới. Chúng ta được thúc đẩy bởi những câu chuyện kinh doanh thành công được nhiều người nhắc đến. Và chúng ta thấy như thể việc tạo nên một công ty lý tưởng sẽ nhanh chóng được thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Sự lý tưởng hóa không phải là một mục tiêu thực tế. Bởi vì khả năng cao là rất nhiều kế hoạch của chúng ta dù hoàn hảo đến mấy cũng sẽ gặp trục trặc đâu đó trong quá trình thực hiện. Một dự án bạn đặt nhiều tâm sức, dành ra 100 giờ/tuần để đầu tư cho nó bỗng nhiên trở nên bất khả thi. Một người bạn bước vào công ty bạn và được kỳ vọng sẽ giúp sức cho bạn rất nhiều bỗng dưng cho thấy sự kém phù hợp với công ty… Ở những trường hợp này, sẽ không có chỗ cho chủ nghĩa hoàn hảo, đặc biệt là khi các yếu tố này gây cản trở cho sự phát triển của công ty.

Để xây dựng công ty thành công, nhà sáng lập phải là người thực tế: đặt cảm xúc qua một bên, dừng những dự án bất khả thi đang ngốn quá nhiều nguồn lực của công ty và thực hiện những quyết định khó khăn. Dù việc này đôi khi có nghĩa là bạn phải bỏ đi giấc mộng ban đầu của mình, nhưng một sự tập trung hợp lý sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty hơn là sự bướng bỉnh mù quáng.

3. Phải trao quyền những phần việc chi tiết

Ban đầu, có thể bạn phải dành thời gian cho tất cả các phần việc liên quan đến sự vận hành của công ty, từ email khách hàng đến dịch vụ giao hàng, nhưng cách tiếp cận tập trung quá nhiều vào chi tiết sẽ không hiệu quả khi công ty được mở rộng quy mô.

Từng là chuyên viên thiết kế, ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, tôi tham gia rất sâu vào quá trình tạo ra thành phẩm của công ty. Nhưng dần dần, khi cơ sở khách hàng tăng lên, việc kinh doanh chiếm nhiều sự quan tâm của tôi hơn, đó là các vấn đề liên quan đến chiến lược, quản lý cổ đông và dòng doanh thu. Tôi không còn khả năng kham cả những phần việc quá chi tiết nữa. Do đó, tôi phải thuê người và đặt niềm tin vào một đội ngũ chuyên gia tài giỏi để họ tiếp tục duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm/dịch vụ.

Nếu bạn xây dựng được một đội ngũ mạnh, điều quan trọng là phải tin tưởng và giao phó cho họ những phần việc họ phải đảm trách, thậm chí khi kết quả cuối cùng không phải luôn giống chính xác với điều bạn từng hình dung.

4. Ngoài công ty, mọi thứ đều là ưu tiên số 2

Ai cũng biết rằng việc thành lập một doanh nghiệp mới sẽ làm xáo trộn cuộc sống cá nhân, nhưng tôi tin rằng không nhiều người hiểu được mức độ đầy đủ của sự xáo trộn này.

Đầu tiên, bạn có thể phải làm việc 16 giờ/ngày với mức lương bằng 0, trong ít nhất là những tháng đầu, hoặc thậm chí là nhiều năm. Thứ hai, bạn sẽ ít có thời gian dành cho những người thân yêu của mình hơn, như gia đình và bạn bè. Thứ ba, có thể bạn sẽ cần phải di chuyển đến quốc gia khác và bỏ lại mạng lưới các mối quan hệ thân thuộc ở phía sau. Bạn sẽ cảm thấy cô đơn trong một khoảng thời gian nhất định, trước khi tìm kiếm được một đội ngũ tuyệt vời. Cuối cùng, có một sự thật sẽ ngày càng hiện ra rõ ràng hơn, rằng gần như sẽ không có ai khác dốc hết 100% nguồn lực để đạt được tầm nhìn của bạn như chính bản thân bạn.

Vì vậy, nếu chưa sẵn sàng từ bỏ một phần cuộc sống cá nhân để vận hành công ty, bạn sẽ khó thể thực sự biến giấc mơ kinh doanh thành hiện thực.

5. Khởi nghiệp kinh doanh - công việc không dành cho tất cả mọi người

Có một sự hấp dẫn đầy cám dỗ khi nghĩ rằng mình nên từ bỏ thói quen đi làm thuê 8 tiếng/ngày và mở một công ty riêng. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp kinh doanh thực sự không dành cho tất cả mọi người. Chỉ những người hiểu và chịu được các áp lực cũng như chấp nhận hy sinh nhiều thứ để bắt đầu kinh doanh mới có thể tiến bước lâu dài trên con đường này.

Còn đối với phần lớn những người còn lại, thực tế khắc nghiệt khi làm kinh doanh thường lấn át đi những lợi ích sẽ có được. Đây là điều hoàn toàn bình thường, vì điều quan trọng là chúng ta phải chọn một nghề nghiệp mà mình cảm thấy thoải mái với nó.

Nếu sức khỏe và sự hạnh phúc của bạn bị đe dọa nghiêm trọng, đó chính là lúc cần phải nhìn lại con đường mình đang theo đuổi xem có còn phù hợp hay không.



cuộc sống   thành công   thói quen   doanh nhân   Forbes   Khởi nghiệp   hành vi   doanh nghiệp