Armenia công bố ảnh máy bay chiến đấu nghi bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi

01/10/2020 3:21  

Armenia đã công bố ảnh xác máy bay mà nước này nói là máy bay chiến đấu Su-25 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.

Bộ Quốc phòng Armenia ngày 29/9 cho biết một máy bay chiến đấu Su-25 của nước này đã bị bắn rơi, khiến phi công điều khiển thiệt mạng. Danh tính của phi công được Armenia xác định là một thiếu tá.

Armenia hôm nay đã đăng tải trên một trang web chính phủ xác máy bay mà nước này nói là máy bay chiến đấu Su-25 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Hình ảnh cho thấy các mảnh vỡ máy bay bị thiêu rụi.

Armenia cáo buộc máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra vụ việc. Theo Armenia, chiếc Su-25 bị bắn rơi khi đang bay tại không phận nước này.

Kết quả điều tra ban đầu từ phía Armenia kết luận rằng chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã khai hỏa từ không phận của Azerbaijan. 

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều bác bỏ cáo buộc của Armenia rằng máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay của Armenia.

Theo Hikmat Hajiyev, trợ lý tổng thống Azerbaijan, hai máy bay chiến đấu Su-25 của Armenia bị phá hủy vào ngày 29/9 sau khi đâm vào một ngọn núi và cáo buộc Armenia nói dối.

"Cả hai máy bay đều đâm vào một ngọn núi, phát nổ và bị phá hủy. Điều này cho thấy lãnh đạo quân đội Armenia không cung cấp thông tin chính xác cho người dân và công chúng", trợ lý tổng thống Azerbaijan nói.

Trước đó, Armenia đã cáo buộc nhiều máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ máy bay và thiết bị bay không người lái của Azerbaijan trong các vụ tấn công nhằm vào quân đội và căn cứ của Armenia. 

Armenia ngày 28/9 cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai khoảng 4.000 thành viên từ bắc Syria tới Azerbaijan và lực lượng này đang chiến đấu tại đây. Phía Azerbaijan đã bác bỏ cáo buộc trên, nhấn mạnh họ có "thừa nhân lực và quân dự bị".

Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan “cả trong đàm phán và trong chiến đấu”, đồng thời nhấn mạnh một cuộc tấn công chống lại Azerbaijan tức là nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh Armenia và Azerbaijan, 2 quốc gia Liên Xô cũ, vướng vào căng thẳng quân sự từ ngày 27/9 liên quan tới vùng Nagorno-Karabakh. Đây là vùng đất được cộng đồng quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng phần lớn người dân ở đây có gốc Armenia. Nagorno-Karabakh nhận được hậu thuẫn về quân sự và tài chính từ Armenia và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Thành Đạt

Theo Reuters



F-16   lãnh đạo   Armenia   Azerbaijan   F-16   Reuters   Su-25   Thổ Nhĩ Kỳ   Thổ Nhĩ Kỳ   căng thẳng   hành vi   lãnh đạo   lãnh đạo