Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết, theo nhận định của đơn vị này, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ còn khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong số đó có khoảng từ 4-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Đặc biệt, trong tháng 10 và 11 của năm 2020 trên Biển Đông sẽ đón bão dồn dập. Những cơn bão trong các tháng cuối mùa sẽ tập trung ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ.
Do mùa bão đến muộn, nên đầu năm mới 2021 có thể xuất hiện những cơn bão muộn, chủ yếu tác động ở khu vực phía Nam như Nam Trung Bộ.
Ông Năng lưu ý, bão đến dồn dập liên tục nên nguy cơ cao xảy ra đa thiên tai, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, đối với các tỉnh khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ thời gian tới cần chủ động các phương án ứng phó một cách đồng bộ để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
“Theo nhận định mới nhất của chúng tôi, khoảng ngày 6-10/10 trên Biển Đông có thể xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, đây là thông tin nhận định ban đầu và sẽ còn phải điều chỉnh. Khi nào có thông tin chính xác, đảm bảo độ tin cậy chúng tôi sẽ ban hành bản tin chính thức đến các cơ quan phòng chống thiên tai”, ông Năng thông tin thêm.
Đầu năm 2021 xuất hiện rét đậm, rét hại
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), những hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, rét đậm, rét hại chỉ được dự báo trước 10 ngày. Trong khi đó, các hiện tượng nguy hiểm như tuyết, băng giá, sương muối chỉ có thể cảnh báo trước thời điểm xảy ra 1-3 ngày.
Do đó, ông Hưởng cho rằng còn quá sớm để nhận định về nền nhiệt thấp kỷ lục trong mùa Đông năm nay tại miền Bắc. Nhưng nhận định ban đầu cho thấy rét đậm và rét hại sẽ tập trung vào tháng 1, tháng 2/2021.
Riêng tháng 11-12/2020, nhiệt độ toàn quốc phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,5-1 độ C.
Ngoài nhiệt độ, lượng mưa trong những tháng cuối năm cũng là yếu tố được chuyên gia lưu ý. Từ tháng 10 đến tháng 11, lượng mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 15-30%. Riêng tháng 11, Tây Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn nhiều năm 30-50%.
Từ nay đến cuối năm, 2-3 đợt lũ lớn có khả năng xuất hiện trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Đỉnh lũ trên các sông ở khu vực này có thể cao hơn năm 2019.
Ông Hưởng cảnh báo người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin thời tiết cảnh báo về không khí lạnh và mưa lũ. Với những hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại gây sương muối và băng giá, cơ quan khí tượng sẽ cảnh báo trước ít nhất 1-3 ngày để người dân chủ động ứng phó trong canh tác, nuôi trồng, sinh hoạt.
Nguyễn Dương
Dự báo thời tiết Việt Nam chuyên gia tập trung