Bộ Công Thương cho biết, qua rà soát, Bộ này nhận thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, nhu cầu thể hiện xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa theo thông lệ quốc tế mới rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, sự hình thành các chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó có thể có nhiều nước cùng tham gia sản xuất một sản phẩm, đã và đang tạo ra những thay đổi trong cách ghi xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh những cách ghi truyền thống như “Sản phẩm của…”. “Sản xuất tại…”, đã xuất hiện những cách ghi khác thể hiện chính xác hơn nguồn gốc của sản phẩm như “lắp ráp tại (quốc gia, vùng lãnh thổ)” hay “chế tạo bởi (tên công ty, tập đoàn)”, ...
Do vậy, việc ban hành Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ giúp giải quyết trình trạng này. Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Công Thương đã có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Để giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tế, Bộ Công Thương cho biết dự kiến Nghị định sẽ quy định đối với một số nội dung.
Trong đó có tiêu chí để xác định một hàng hóa nào đó là “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam”;
Ngoài ra sẽ quy định phương thức thể hiện nội dung sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong một vài cụm từ để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam).
Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, nguyên tắc quản lý việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, chứng từ thương mại liên quan… (theo nguyên tắc tự nguyện và tự chịu trách nhiệm).
Nghị định cũng sẽ là biện pháp chống gian lận trong việc thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Trước đó, hồi tháng 7/2019, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Thông tư quy định Made in Vietnam và xin ý kiến đóng góp từ nhiều bên.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng với nội dung nói về điều kiện, tiêu chí để sản phẩm, hàng hoá được xác định là "hàng hoá của Việt Nam", thì văn bản này nên ban hành dưới hình thức nghị định, thay vì dưới hình thức thông tư của Bộ trưởng.
Nguyễn Mạnh
doanh nghiệp Chính phủ Nghị định Thủ tướng Việt Nam doanh nghiệp kiến nghị sản xuất