Cần cái nhìn cởi mở về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế

02/10/2020 15:05  

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương: Hỗ trợ cần hướng tới việc củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

- Cá nhân tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua không đến được với doanh nghiệp do những điều kiện cần đáp ứng quá cao. Có thể thấy rõ là doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng không nhận được hỗ trợ phù hợp. Việc thiết kế lại các chính sách hỗ trợ đó thật nhanh chóng và đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp hiện đang rất bức thiết.

Là thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), chúng tôi mới đây đã có những đề xuất cụ thể về vấn đề này. Theo đó, các chính sách hỗ trợ cần hướng tới việc củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.

Nếu qua những lần khảo sát trước, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong đợt dịch đầu đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thì giờ đây, vấn đề căng thẳng nhất chính là dòng tiền khi chứng kiến sự sụt giảm doanh thu và mất khả năng thanh toán.

Gói hỗ trợ của Chính phủ là có điều kiện, nhưng bản thân nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được những điều kiện để tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Chúng tôi cho rằng, thay vì chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp đã đi vào bế tắc, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được các khoản chi để họ có thể tự cân đối dòng vốn mỏng, qua đó duy trì được việc làm cho người lao động, cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi, theo đó, kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giảm, hoãn các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020-2021. Giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, và có thể kéo dài tới cả năm 2021.

Đối với thuế giá trị gia tăng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế xuất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam: Hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực phục hồi

- Covid-19 đã tác động rất mạnh tới nền kinh tế và dù có nói gì đi chăng nữa thì câu chuyện cuối cùng là doanh nghiệp phải đứng vững và phải tồn tại được, trước khi nói đến sự phục hồi, hay sự phát triển của nền kinh tế. Về sự tồn tại của các doanh nghiệp, một là tự họ phải lo tồn tại và hai là được trợ giúp từ bên ngoài, và trong trợ giúp từ bên ngoài có hai kênh là trợ giúp từ Chính phủ và từ các đối tác kinh doanh.

Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nói rõ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Gói hỗ trợ Chính phủ đưa ra không nhằm để cứu đói, mà hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại để phát triển. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã không chứng minh được khả năng tồn tại của mình, ngay cả trước dịch Covid-19 bản thân họ đã tiềm ẩn một số “bệnh” và khi dịch Covid-19 xảy ra thì họ đã lộ ra rất nhiều điểm yếu về sức khỏe.

Tất nhiên, gói hỗ trợ của Chính phủ là có điều kiện, nhưng bản thân nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được những điều kiện để tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Một cơ hội nữa mà Chính phủ Việt Nam có thể tận dụng để tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế là củng cố lại năng lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Tôi đồng ý là các thủ tục hỗ trợ có nhiều khâu rườm rà, nhưng một phần sự rườm rà này cũng đến từ chính doanh nghiệp, bởi nhiều doanh nghiệp không chứng minh được rằng nếu có sự trợ giúp này thì họ sẽ phát triển được.

Về gói hỗ trợ lần hai, khi tham gia góp ý chúng tôi cho rằng phải xác định được đối tượng hỗ trợ là ai. Có hai đối tượng chính, một vẫn là các DNNVV vì họ là những đối tượng dễ tổn thương nhất.

Đối tượng thứ hai là các doanh nghiệp lớn. Cùng một sự hỗ trợ, nhưng với những doanh nghiệp lớn có 10.000, 20.000 hay 30.000 lao động sản xuất, họ có thể tận dụng để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Nếu như mục tiêu của gói 1 là giải quyết sự ổn định của nền kinh tế với sự tồn tại của các DNNVV, thì tới gói số 2, theo quan điểm của chúng tôi và một số chuyên gia, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đang có năng lực phục hồi và cất cánh, để rồi họ sẽ tạo công ăn việc làm cho ngay chính các DNNVV.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia Công ty Tài chính quốc tế (IFC): Cần tạo sự thuận tiện cho các nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu kinh doanh

- Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh là giữ cho người dân và đất nước được an toàn, đồng thời tiếp vốn cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chính phủ Việt Nam đã khá chủ động trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp qua việc yêu cầu hệ thống ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, và cùng với đó là những nỗ lực giúp khu vực tư nhân với những giải pháp về thuế, để giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại.

Một cơ hội nữa mà tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam có thể tận dụng để tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế là củng cố lại năng lực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Thu hút nhà đầu tư ngoại ở đây không phải là giảm chi phí kinh doanh, mà là cải thiện sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Xin đừng nhầm lẫn, bởi đây là hai khía cạnh khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài, trên thực tế, sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu họ tìm thấy sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh tại một đất nước nào đó, nơi có yêu cầu về thuế minh bạch và nhất quán, hay là nơi có thể dễ dàng tìm một mảnh đất để đầu tư hoặc dễ dàng điền vào các biểu mẫu thuế. Quả thật, nếu phải điền vào năm yêu cầu về thuế hàng năm, đó sẽ là một trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

Bởi vậy, các chính sách thu hút FDI sẽ không phải là vấn đề cắt giảm chi phí cho các nhà đầu tư, nhưng là vấn đề xoay quanh việc tạo sự thuận tiện cho các nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu kinh doanh nếu họ chọn đầu tư vào Việt Nam. Hiểu theo cách khác, nếu một nhà đầu tư đổ vốn vào Việt Nam, họ cần sự minh bạch và một môi trường đầu tư có thể đoán định để tính toán các kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Các ưu đãi đầu tư như vậy cần phải được xây dựng dựa trên các kết quả hoạt động đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài.



Covid   Covid-19   Thủ tướng   Việt Nam   căng thẳng   doanh nghiệp   khủng hoảng   kiến nghị   sản xuất   đầu tư