Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10

01/10/2020 3:17  

Chỉ được gọi điện quảng cáo trong giờ hành chính; làm hỏng bia chủ quyền bị phạt 100 triệu... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.

Chỉ được gọi điện thoại quảng cáo từ 8h đến 17h

Nghị định 91/2020 có hiệu lực từ 1/10 lần đầu quy định không được phép gọi quá một cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được gọi từ 8h đến 17h mỗi ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận với người sử dụng. Trường hợp vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.

Nghị định này cho phép mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ. Quy định hiện hành là không được phép gửi quá một tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày.

Khi người sử dụng đã từ chối nhận, người quảng cáo nếu tiếp tục gửi tin sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi.

Làm hư hại bia chủ quyền, cột mốc biên giới bị phạt đến 100 triệu đồng

Tại Nghị định 96/2020 có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền 40-50 triệu đồng với một trong những hành vi làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia...

Nếu tổ chức vi phạm các lỗi trên, mức phạt tăng gấp đôi, tương ứng 80-100 triệu đồng. Người nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét từ đường biên giới trên đất liền sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.

Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Có hiệu lực từ 15/10, Nghị định 98/2020 quy định người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Mức hiện nay tối đa là 100 triệu đồng.

Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu (hiện nay mức phạt 200.000-50 triệu đồng). Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp

Thông tư 28 về điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực ngày 20/10 nêu rõ điểm mới so với quy định hiện hành là nếu trong trường hợp, học sinh có khuyết điểm, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để tiến bộ hơn; thông báo với phụ huynh. Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Thông tư này cũng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng không bắt học sinh phải sử dụng.

"Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo", thông tư nhấn mạnh và nói rõ thêm việc quản lý, sử dụng và lựa chọn tài liệu tham khảo sử dụng trong nhà trường thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng.

Bá Đô



Giáo dục   Nghị định   chính sách   giá trị   giáo dục   hành vi   thực phẩm