Phiên giao dịch hôm qua (28/9), cổ phiếu FLC trở thành tâm điểm của thị trường với khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới 28,62 triệu cổ phiếu. Mã này tăng trên lên 3.420 đồng và được “tranh cướp”, đến cuối phiên không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 133,66 nghìn cổ phiếu FLC với khối lượng mua vào là 258,05 nghìn cổ phiếu.
Tính chung 1 tuần qua, FLC tăng giá 11,4% và đã tăng 15,54% trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu FLC được giao dịch mạnh và tăng trần bất chấp việc bị HSX đưa vào diện không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ tại ngày 11/9 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng là số âm (lỗ ròng hơn 1.582 tỷ đồng).
Tuy nhiên, về phía FLC, tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết đang lên kế hoạch cho nhiều dự án đình đám như khánh thành khách sạn 5 sao được cho là lớn bậc nhất Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định (chiều dài kỷ lục xấp xỉ 1 km).
Chủ tịch FLC mới đây cũng “úp mở” về dự định đầu tư khu nghỉ dưỡng 7 sao tại Cù Lao Xanh, Bình Định trong đó bao gồm cả... bãi “tắm tiên”.
Trên thị trường chung, chứng khoán trong phiên đầu tuần diễn biến tích cực mặc dù không tránh khỏi rung lắc, giằng co.
Kết phiên, VN-Index tăng 4,23 điểm tương ứng 0,47% lên 912,5 điểm; HNX-Index tăng 1,6 điểm tương ứng 1,22% lên 133,12 điểm và UPCoM-Index tăng 0,49 điểm tương ứng 0,8% lên 61,78 điểm.
Thanh khoản dâng cao trên toàn thị trường, đạt 420,24 triệu cổ phiếu trên HSX và thu hút được 7.250,99 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 52,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 669,51 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 29,38 triệu cổ phiếu, tương ứng 354,64 tỷ đồng.
Như vậy, đã có 8.275,14 tỷ đồng được đưa vào thị trường trong phiên đầu tuần.
Số lượng mã không có giao dịch nào trên thị trường thu hẹp còn 797 mã. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về các mã “xanh”. Có 448 mã tăng giá và 40 mã tăng trần trên toàn thị trường, gần gấp đôi số mã giảm là 298 mã, có 26 mã giảm sàn.
Cổ phiếu của các công ty và các ngân hàng trong ngày hôm qua đồng loạt bật tăng mạnh. Hầu hết các mã trong hai lĩnh vực này đều tăng giá rất tích cực.
Ở nhóm ngành chứng khoán, SSI tăng 500 đồng lên 16.900 đồng; HCM tăng 500 đồng lên 20.700 đồng; VCI tăng 500 đồng lên 28.800 đồng; KLB tăng 500 đồng lên 11.200 đồng, VND tăng 400 đồng lên 13.800 đồng; SHS tăng 300 đồng lên 12.200 đồng; MBS, AGR, BSI, BVS, IVS đều tăng giá.
Tại nhóm ngân hàng, CTG tăng giá mạnh 1.000 đồng lên 27.200 đồng và đây cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp cho chỉ số 0,99 điểm.
Bên cạnh đó, BID tăng 500 đồng lên 41.300 đồng; VPB, MBB, HDB, TPB đều tăng; ACB và SHB trên HNX cũng tăng giá, VIB, LPB trên UPCoM cũng tăng.
Trong khi ACB, SHB đóng góp lần lượt 0,84 điểm và 0,29 điểm cho HNX-Index thì VIB và LPB cũng lần lượt mang tới cho UPCoM-Index 0,3 điểm và 0,23 điểm.
Ngoài ra, cổ phiếu ngành thép cũng trỗi dậy với đà tăng ổn định ở hai “ông lớn” HPG, HSG. HPG của Hoà Phát hôm qua tăng 700 đồng lên 26.400 đồng; HSG của Tôn Hoa Sen tăng 900 đồng lên 16.100 đồng; NKG, SMC, TLH, VGS, HMC cũng tăng.
Theo Công ty chứng khoán MBS, cơ hội để thị trường vượt đỉnh ngắn hạn 915 điểm đang trở nên sáng sủa và cơ hội này sẽ dành cho phiên hôm nay (29/9). Lúc này các yếu tố tác động cả bên trong và bên ngoài đều đang thuận lợi và ủng hộ cho xu hướng tăng điểm của thị trường.
Một phiên vượt đỉnh thành công sẽ giúp thị trường củng cố sóng tăng mới. Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan
Chứng khoán VDSC thì cho rằng, thị trường chứng khoán tăng điểm nhưng các cổ phiếu đang có sự phân hóa rõ nét, từng nhóm ngành thay phiên nhau để thu hút dòng tiền trên thị trường.
Hiện tại các nhà đầu tư có thể nắm bắt các nhịp tăng trưởng của các nhóm ngành dẫn dắt để tìm kiếm lợi nhuận cho mình.
Mai Chi
FLC HCM Hoa Việt Nam thành công tập trung đầu tư