Tôi biết đọc trước khi vào lớp 1, nhờ cô giáo trường làng ở sát nhà nội. Còn nhớ cuốn sách đầu tiên được cô tặng mừng tôi biết đọc là... truyện tranh “Công chúa ngủ trong rừng”. Thế là nhờ sách, tôi biết mơ mộng về một bạch mã hoàng tử, đúng kiểu chủ nghĩa anh hùng cổ tích.
Cuốn thứ hai, là chủ nghĩa anh hùng dân tộc - Lời thề sát thát nói về tướng quân Trần Hưng Đạo. Lúc đó tôi học tiểu học, vừa nhận sách là đọc hết vèo trong đêm. Từ đó, tôi biết thế nào là yêu nước thương nòi.
Lớn hơn một chút, bị cuốn hút bởi thể loại thơ trào phúng của Tú Xương, Hồ Xuân Hương,… Những nhà thơ tài năng này dù cuộc đời có phần trúc trắc, truân chuyên nhưng vẫn sáng tạo nên những áng thơ vui vẻ yêu đời, giữ cho đời sau những nụ cười hàm tiếu giữa bộn bề lo toan. Đối với tôi, họ là những anh hùng trong dân gian.
Đến tuổi sinh hoạt Đoàn, tôi đọc các sách chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như Thép đã tôi thế đấy, Nhật ký Đặng Thùy Trâm,… và nhiều nhất là Hồ Chí Minh với Nhật ký trong tù, Đường Kách mệnh,... Những điều lớn lao thì chưa làm được nhưng có một điều chắc chắn thành hình trong tôi từ dạo ấy, đó là một cách sống có lý tưởng, có đạo đức.
Thời mới đi làm, mới biết yêu, vẫn ấp ủ nhiều hoài bão nhưng cái cảm giác của “đứa trẻ” mới vào đời vẫn còn chông chênh lắm, tôi tìm sự đồng điệu ở những câu chuyện ngắn trong Khi người ta trẻ, tản văn Nguyễn Ngọc Tư, … và nhiều tiểu thuyết hiện thực trong ngoài nước. Chủ nghĩa anh hùng lúc này là những thân phận giữa đời thực, vẫn vươn lên giữa bão giông và đóng góp phần nhỏ nhoi của mình cho cuộc đời.
Có thể do ngành học chuyên môn của tôi không liên quan đến kinh tế nên cả thời thanh xuân không có cơ hội tiếp cận với sách doanh nhân. Người ta nói, khi học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện. Đó là khi tôi cảm nhận tư duy của mình theo lối mòn, bản thân không phát triển và sự nghiệp cũng không bằng chúng bạn. Và thầy tôi đến, giới thiệu cho tôi những tác giả nổi tiếng tận trời tây như John C.Maxwell, Stephen Covey và cả Steve Job, Honda, ... Lúc này tôi mới biết có cái gọi là mục tiêu cuộc đời, nguyên tắc phát triển bản thân, nghệ thuật lãnh đạo,... Tôi mới vở lẽ, không nhất thiết làm kinh doanh mới đọc kỹ năng bán hàng hay tự truyện doanh nhân, vì hẳn nhiên khi bước vào trường đời, mỗi chúng ta vẫn đang bán kiến thức, kỹ năng,… của mình để mưu sinh, vậy thì tại sao ta không học cách để “bán” vốn liếng ấy có giá hơn?!
Tôi nghiệm ra rằng, sách doanh nhân, không đơn giản là sách, trên hết đó là trải nghiệm thăng trầm của những cuộc đời có thật, không hư cấu như tiểu thuyết, không bay bổng như thơ ca. Đó là hơi thở của cuộc sống, của thời đại mà ta đang đi qua, giá trị tham khảo là vô cùng hữu dụng. Vậy nên, cũng không ngoa, nếu nói sách doanh nhân thuộc thể loại chủ nghĩa anh hùng – những anh hùng của thời đại, góp phần làm giàu có cho quê hương xứ sở bằng tài năng và đức độ của riêng mình.
Có điều đáng tiếc, sách doanh nhân Việt còn ít quá, gần đây tôi mới biết đến tự truyện của doanh nhân Lý Quý Trung, “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông hay các doanh nhân nữ như Nhan Húc Quân với Phép màu để trở thành chính mình, Lê Thị Thanh Lâm với Người thả diều.
Tự truyện doanh nhân, theo tôi, khi đọc cần có sự kiên nhẫn, nghiền ngẫm, đọc để học, không phải để giải trí thì mới mong hoàn thành cả cuốn sách. Giả sử các anh chị thử viết chuyện kinh doanh kịch tính như tiểu thuyết, mượt mà như thơ ca để một người bình thường như tôi vẫn dễ dàng tiếp nhận thì hay biết mấy.
Và nếu, sách của doanh nhân cũng được truyền thông tương xứng với một tác phẩm văn học đáng giá, tôi nghĩ không độc giả nào lại không tò mò tìm đọc.
Một chút suy nghĩ chân thành, hy vọng Tuần lễ Doanh Nhân và Sách sẽ là cơ hội mở ra những cuộc thảo luận gần gũi giữa doanh nhân – người viết và bạn trẻ - người đọc, để sau đó được đọc nhiều hơn và đến gần hơn những “anh hùng doanh nhân” của thời đại mình đang sống.
truyện cuộc sống làm giàu Sách Doanh Nhân doanh nhân giá trị