Game thủ Việt đón Trung thu nay khác xưa ra sao?

01/10/2020 22:33  

Không còn là những buổi tụ tập bạn bè chơi game ngoài quán net, người chơi giờ chỉ còn quanh quẩn với những hoạt động lẻ tẻ lặp đi lặp lại trong các game online mà không bận tâm đến cả ngày tháng.

Những hoạt động vui Trung thu trong game cách đây vài chục năm giờ chỉ còn sót lại trong mảng ký ức vụn vỡ của game thủ 8x, 9x đời đầu. Ngày nay, trẻ em với smartphone có lẽ sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu được những lần trốn học đi chơi điện tử cùng bạn bè với những trận Đế chế, Half-Life hay Warcraft, Starcraft.

Khi thời đại game online cập bến nước ta, những Gunbound hay Võ Lâm dần thay thế những game offline xưa cũ. Nhưng không vì thế mà phong trào chơi game dịp lễ Tết mất đi. Trái lại, người chơi còn cảm thấy vô cùng hào hứng bởi mỗi dịp như vậy sẽ có rất nhiều hoạt động đón Trung thu.

Phát hành năm 2005, sự kiện đầu tiên trong Võ Lâm Truyền Kỳ mà game thủ nô nức tham gia là hoạt động săn mâm ngũ quả đón Tết, rồi sau đó là ghép bánh đón Trung thu. Nhiều năm sau, các game lậu Võ Lâm vẫn cố gắng bắt chước tổ chức các event tương tự, nhưng không bao giờ mô phỏng được cái không khí đậm chất Trung thu nơi người người nhà nhà đổ xô đi giết nhím, đánh heo trong tựa game huyền thoại này. 

Ngày nay, chỉ còn một số ít game nhập vai duy trì tổ chức event Trung thu có sự đầu tư đàng hoàng, còn lại không ít game chỉ đơn giản là ra event khuyến mại nạp thẻ. Cá biệt, không thiếu game còn chẳng có sự kiện gì nhân dịp đặc biệt này.

Trong bức tranh mờ mịt đó, tất nhiên vẫn có những điểm sáng hiếm hoi. Như một cộng đồng Dota 2 ở Việt Nam mới đây đã tự làm hẳn bánh Trung thu handmade, thu hút hàng trăm người đặt mua. 

Rộn ràng là vậy, nhưng nhiều game thủ thừa nhận đặt bánh chỉ để cảm nhận chút không khí Trung thu. Bởi công việc và gia đình không cho phép họ chơi những trận rank xuyên màn đêm. 

“Cuối năm vợ mình vỡ chum lần 2, là một thằng loser nên chắc mình phải nghỉ game để lo cho gia đình. Nick đang thanh lý mà chưa ai mua. Gắn bó với game 8-9 năm nhưng cũng đến lúc phải buông để lo cho gia đình”, bạn Kiên Trung Phạm (Hà Nội) ngậm ngùi tâm sự.

Phương Nguyễn



Hà Nội   Trung thu   Việt Nam   đầu tư