Hầu hết chúng ta đều tham gia vào một buổi gặp gỡ nào đó hằng ngày: phỏng vấn công việc mới, thuyết trình sản phẩm tới khách hàng, họp nội bộ công ty, đề nghị sếp tăng lương, hay thậm chí là buổi nói chuyện giúp vượt qua những yếu tố nhạy cảm với người bạn đời ở nhà…
Chủ đề mỗi cuộc gặp mặt có thể khác nhau, nhưng mục đích thì đều có điểm chung: truyền đi một cách hiệu quả thông điệp của bạn và nhận về kết quả mong muốn.
Và theo Evy Poumpouras - cựu nhân viên đặc vụ thuộc Sở Mật vụ Hoa Kỳ, chuyên viên thẩm vấn được đào tạo bởi Bộ Quốc phòng Mỹ về khoa học nghệ thuật phát hiện dối trá và hành vi của con người, thì những gì bạn nói mới chỉ là bề nổi của tảng băng.
4 điều cốt lõi của sự giao tiếp hiệu quả
Trước khi đến với những yếu tố phân tích sâu hơn, Poumpouras khuyên bạn nên làm chủ 4 điều cơ bản sau để có được thành công cho bản thân.
1. Học để trở thành một người nghe chủ động. Điều này không có nghĩa đơn thuần là chỉ dùng đôi tai, mà là dùng tất cả các giác quan của bạn để lắng nghe. Bạn phải quan sát mọi người và theo dõi từng rung động trong căn phòng. Nhưng thực tế thì chúng ta đang sống theo cách khiến chúng ta không thể làm như thế được. Vậy nên hãy bỏ điện thoại xuống. Hãy thực sự có mặt ở đó. Hãy hiện diện. Bạn sẽ không thực sự hiện diện nếu bạn bị phân tâm.
2. Hãy xuất phát với sự đồng cảm. Tôi nhận được lời khuyên rằng bạn hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử lại. Nhưng đó lại là phương pháp sai lầm. Bạn cần phải đối xử với mọi người theo cách mà họ muốn được đối xử. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu được người đang nghe bạn nói. Hãy làm bài thực hành thế này: Nếu họ có phương tiện truyền thông xã hội, hãy tìm hiểu về chúng. Hãy tìm ra điểm tương đồng giữa bạn với họ. Mọi người đều yêu thích việc có được điểm chung với một người khác. Và chúng ta đều muốn tìm được những người giống mình. Vậy nên hãy tạo ra sự đồng cảm bằng cách hiểu được ai là người đang ngồi cùng phòng với bạn, sau đó tìm ra những điều nên và không nên nói.
3. Hãy tạo ra một môi trường phù hợp. Những tác nhân xung quanh nơi bạn nói chuyện với người khác và việc nhận biết được những tác nhân đó rất quan trọng. Vì vậy hãy xóa bỏ những rào cản giữa bạn và người nghe bạn nói. Khi có một chiếc bàn thì bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì từ thắt lưng của bạn trở lên - phần dưới cơ thể đã bị che khuất. Những chiếc bàn lúc này có thể coi là một rào chắn. Bạn nhìn thấy mọi người cầm sách lên đến tận ngực của họ, và quyển sách lúc này trở thành một thứ giống như một tấm khiên chắn đạn. Khi bạn làm điều tương tự, nghĩa là bạn đang đóng lại sự cởi mở của mình với mọi người, khiến bạn trở nên khó gần. Tôi chưa bao giờ đứng đằng sau bục giảng. Chưa bao giờ, bởi vì tôi hiểu rằng điều đó sẽ tạo nên một tấm rào chắn, một sự chia cách, giữa tôi với người nghe của tôi. Và tôi muốn mọi người kết nối với tôi, cảm thấy chúng tôi đang ở cùng nhau, hơn là muốn tách biệt tôi ra khỏi họ.
4. Hãy suy nghĩ phù hợp. Hãy đưa chính mình vào một lối tư duy phù hợp trước khi bạn bắt đầu một cuộc hội thoại. Hãy vươn mình lên. Giả định như bạn đang đi tới một sàn đấu boxing vậy. Hãy nghe những bài nhạc phá phách nhất có thể, những bài mà bạn nghe khi đi chạy hàng cây số, hoặc những bài hát khiến bạn cảm thấy tốt hơn cho bản thân. Đêm trước khi cuộc gặp mặt diễn ra, hãy xem bộ phim khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực. Hoặc hãy trốn vào buồng tắm, nơi mà không ai có thể tìm ra bạn. Đôi khi, bộ não lại nghe theo cơ thể. Hãy làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ và cảm thấy được khích lệ, động viên. Nếu bạn có một ai đó có khả năng tạo động lực, hãy nói chuyện với người đó, hoặc nếu không, hãy tự tạo ra động lực bằng âm nhạc, phim ảnh, tập thể dục, hãy sử dụng cơ thể của bạn. Hãy làm điều gì đó để thay đổi tâm lý tư duy của bạn, và khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ, đầy sinh lực và dũng cảm.
Cách để đọc được ngôn ngữ cơ thể của người khác
Bước đầu tiên là cần tạo dựng một nền tảng hiểu biết vững chắc để giúp bạn giao tiếp hiệu quả. Đã bao lần bạn rời khỏi một cuộc gặp mặt với một câu hỏi “Tôi không biết làm sao để tiếp tục cuộc nói chuyện này?”.
Cách duy nhất để hiểu nếu bạn đang thực sự giao tiếp với người nghe - cho dù đó là sếp, một khán phòng chật kín những đồng nghiệp hay thậm chí là những đứa trẻ của bạn - là hãy nhìn vào họ. Phần lớn những gì chúng ta trao đổi thực ra là qua cơ thể của chúng ta, chứ không phải qua lời nói. Nếu bạn không nhìn vào người khác, bạn không thể cảm nhận được họ. Tôi luôn luôn nói rằng, hãy mở mắt ra và lắng nghe này.
Dưới đây là một số mẹo không lời sẽ giúp bạn “đọc vị” người khác:
Cái gật đầu. Nếu mọi người hứng thú, bạn sẽ có được những cái gật đầu. Khi tôi nói chuyện với người khác, cách để tôi biết rằng những gì tôi nói đang gây được tiếng vang là việc có được những cái gật đầu và có được những ánh mắt hướng nhìn vào tôi.
Giao tiếp bằng mắt. Sẽ là bình thường nếu mọi người giao tiếp bằng mắt với bạn. Mọi người không luôn luôn nhìn vào bạn khi bạn nói, điều đó không thành vấn đề. Đặc biệt là nếu họ đang cố nhớ lại điều gì đó, bạn sẽ thấy mọi người nhìn lên và quay đi hoặc nhìn sang hướng khác. Nhưng khi nói, bạn cần phải chắc chắn rằng người đó đang hứng thú với câu chuyện của bạn. Nếu họ nhìn đi chỗ khác, như là nhìn vào sổ tay và ghi chú nguệch ngoạc, thì nghĩa là họ đang không thực sự ở đó với bạn.
Tư thế. Nếu họ nghiêng người, nếu tay họ mở ra ngoài, lòng bàn tay ngửa lên, đó là một dấu hiệu tốt thể hiện rằng họ đang kết nối với bạn. Nếu họ dựa người về sau, như thể họ đang lơ đãng và buồn chán, thì đó là khi bạn nên cân nhắc. Nếu mọi người thực sự ở đó, bạn sẽ thấy điều đó. Nếu một ai đó đang nghiêng người và đột nhiên khi bạn nói điều gì đó, người đó khoanh tay lại, lúc đó bạn nên hiểu là bạn đã nói điều gì đó khiến người ta không thích.
7 mẹo tâm lý học giúp tăng hiệu quả giao tiếp
Ngoài những điều chỉnh mang tính vật lý, chúng ta có thể có được sự tôn trọng và sự chú ý của người khác trong một cuộc đối thoại, nhờ một số mẹo về tâm lý sau.
1. Hãy bỏ lại cái tôi của bạn ở ngoài cửa. Khi bạn tự hỏi “Người này có thích mình không nhỉ?” thì đó là khi cái tôi của bạn đang lên tiếng. Sẽ không có chỗ cho cái tôi đó tồn tại trong bất kỳ cuộc thương thảo nào. Khi nói chuyện với mọi người, cái tôi của tôi được vứt bỏ lại ngoài cửa, bởi vì tôi tập trung vào điều mình cần từ người khác, chứ không phải tập trung vào những cảm giác của bản thân. Chính cái tôi của bạn sẽ phá hủy bạn. Mục tiêu lớn hơn của bạn là gì? Với tôi là tập trung vào công việc, là có được khách hàng mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ, hoặc dù cho là gì đi nữa thì đó vẫn là mục tiêu thực sự của tôi, chứ không phải việc “họ có thích mình không”.
2. Hãy tự hỏi “người này cần gì từ mình?”. Tôi từng thực hiện rất nhiều cuộc thẩm vấn với những tội phạm. Và tôi chưa từng vào phòng với một suy nghĩ cần một lời thú tội. Thay vào đó, tôi dừng lại và nghĩ: họ cần nghe điều gì từ mình để mình có thể giúp họ mở lòng và nói ra điều họ đã gây ra. Tôi không bao giờ nói với họ theo quan điểm suy nghĩ của tôi. Nếu bạn tiếp tục với quan điểm riêng của bạn, kiểu như “tôi cần thế này, tôi muốn thế kia”, thì bạn sẽ thất bại. Hãy tiếp tục với quan điểm: “Người này cần điều gì?”.
3. Đừng chỉ dừng ở mức “là chính mình”. Bạn có những cách khác nhau khi thể hiện mình với từng người khác nhau. Ví dụ bạn là một người khác khi nói chuyện với bố mẹ, và có thể trở nên rất khác nữa khi nói chuyện với sếp, vậy nên bạn cần tìm ra cách thể hiện phù hợp nhất với người mà bạn đang gặp mặt. Hãy nghĩ rằng mình cần phải thích nghi, mình cần phải luyện tập để tìm cách hiểu được người khác, để nhận ra điều gì mình cần từ họ và điều gì họ cần nghe từ mình, để rồi họ cảm thấy thoải mái, cởi mở và chú ý lắng nghe mình.
4. Hãy biết khi nào phải im lặng. Càng im lặng nhiều càng tốt, bạn sẽ muốn lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn. Mọi người thường cho rằng nếu họ chủ động điều khiển toàn bộ cuộc nói chuyện thì họ là người có quyền lực. Nhưng đó là
sai lầm, bởi vì bạn chẳng học được điều gì cả. Người bạn đang nói chuyện cùng đã hiểu được rất nhiều về bạn, như là điều gì đã tạo động lực cho bạn, công việc của bạn là gì, bạn đang nghĩ gì, bạn đang xử lý thông tin gì. Trong khi đó, bạn không hề biết gì về họ. Vậy nên khi tôi tới những buổi gặp gỡ, tôi cố gắng đảm bảo rằng mọi người đều kể chuyện và tôi là người nói cuối cùng. Tôi muốn hiểu về họ, lưu lại những nhận xét trong lòng, đánh giá họ và sau đó tôi có thể nói chuyện với họ một cách khéo léo hơn.
5. Dựa vào sự thật. Điều này đặc biệt đúng trong những lúc bạn cần đàm phán lương hoặc yêu cầu thăng chức. Hãy ghi chú lại những việc bạn làm, để đến khi cần đàm phán thì bạn đã có sẵn một danh sách các ví dụ rõ ràng. Điều này rất thực tế. Bạn không thể tranh luận bằng logic. Bạn sẽ không muốn gặp sếp và nói “Em cảm thấy em đã làm tốt công việc được giao”, thay vào đó hãy nói “Em đã làm tốt công việc được giao, và cụ thể là thế này”. Việc đó sẽ giúp lời nói của bạn có thêm sức nặng, và giúp bạn thêm tự tin. Hãy sử dụng những bằng chứng và các con số chắc chắn.
6. Hãy cổ vũ cho những tranh cãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mọi người đều cố tránh sự xung đột. Hệ quả sau khi chúng ta cố rời xa con đường mình chọn để tránh việc đối đầu đó, là một cảm giác tồi tệ. Vì vậy, mọi người cần phải thay đổi suy nghĩ. Tranh cãi không phải là xấu. Thay vì coi đó là điều tiêu cực, hãy cổ vũ nó. Tranh cãi không có nghĩa là ai đó quát vào mặt bạn, và dĩ nhiên bạn không thể hét to như sếp bạn hét được. Tranh cãi có nghĩa là có những cuộc thảo luận về điều gì đó mà mọi người không cùng đồng ý.
7. Dùng công thức TED để luôn có thể hiểu tại sao. Sẽ luôn có những lúc mọi người không đồng ý với bạn, điều đó chẳng sao cả. Điều quan trọng là bạn hiểu được tại sao họ làm vậy. Để hiểu được điều này, hãy xem cách để ghi nhớ ở TED: Tell me, Explain, Describe (Nói, giải thích và mô tả cho tôi). Hãy nói cho tôi tại sao, hãy giải thích cho tôi điều bạn đang nghĩ và hãy mô tả cho tôi những vẫn đề mà bạn gặp. Hãy để họ nói với bạn, hãy đặt họ vào trọng tâm của vấn đề. Tôi bắt đầu mọi cuộc gặp của mình bằng công thức đó. Bởi vì tôi muốn thu thập thông tin và phương pháp đó giúp tôi biết được cách để “cầm lái”, để nói chuyện.
Hoa thành công TED Mục tiêu hành vi