Hết thời hàng xách tay?

01/10/2020 9:26  

Từ ngày 15.10, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan gọi là hàng lậu. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.

Xử phạt lên mức cao nhất 200 triệu đồng

Như vậy, bán hàng xách tay thường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu. Mức xử phạt với cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ lên đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu, tổ chức kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt cao nhất 100 triệu đồng. Đặc biệt, mức phạt này sẽ tăng gấp đôi lên 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới hoặc từ 100 triệu đồng.
Chỉ còn nửa tháng nữa quy định có hiệu lực, nhưng ngoài thị trường, hàng xách tay vẫn bán công khai. Chiều 30.9, tại một điểm chuyên bán hàng xách tay gồm giày, túi xách và mỹ phẩm trên đường Trường Sa (TP.HCM), chúng tôi hỏi mua chiếc túi Gucci nhỏ màu đen, người bán ra giá hàng xách tay không phải đóng thuế lấy 32 triệu đồng. Giới thiệu một hồi, giảm 500.000 đồng, đúng giá 31,5 triệu đồng.
“Nếu mua hàng chính hãng trong Diamond Plaza, giá gần 40 triệu đồng đó”, người bán cho biết. Cũng chiếc túi này, trong cửa hàng cũng chuyên bán hàng xách tay khu vực gần cư xá Đô Thành (Q.3, TP.HCM) lại được báo giá 26 triệu đồng, hàng đã cắt nhãn giấy đính kèm và được giải thích do quá trình vận chuyển bị rơi, vẫn còn túi vải bọc ngoài. Từ những món hàng có giá đắt tiền hàng chục triệu đồng hay chỉ 2 triệu đồng như chai nước hoa Lancôme đều không có hóa đơn đỏ, chỉ hóa đơn bán hàng của cửa hàng. Người bán hàng cho biết hàng được shop bảo hành.
Tương tự, tại khu vực nổi tiếng chuyên bán hàng xách tay gần sân bay Tân Sơn Nhất với mác “hàng phi công, tiếp viên xách về”, việc mua bán ở đây vẫn khá nhộn nhịp. Tuy gọi là hàng xách tay, nhưng mua nguyên thùng 20 lon sữa của Úc hay nguyên thùng rượu Whisky 6 chai cũng có.
Tại khu vực chợ cũ (Q.1, TP.HCM), rượu mạnh, rượu vang, nước hoa, mỹ phẩm, sữa ngoại… dưới mác “hàng xách tay” nhiều vô kể. Sữa bột xách tay Aptamil 580.000 đồng/hộp, cùng loại này tại cửa hàng Concung hóa đơn đầy đủ giá 579.000 đồng/hộp 900 gr; sữa S26 của Úc dành cho trẻ 6 - 12 tháng có giá 515.000 đồng/hộp 900 gr, cùng loại tại cửa hàng Trẻ Thơ có hóa đơn đầy đủ giá 510.000 đồng/hộp.

Xách tay ít, hàng lậu nhiều

Bà Lê Thanh Ngọc (Q.Thủ Đức, TP.HCM), người có 3 năm chuyên bán hàng xách tay từ sữa các loại cho trẻ đến mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản cho biết: “Hàng xách tay này chủ yếu do người nhà có bên ấy, mua gom, gửi đường hàng không về hoặc nhờ tiếp viên xách về theo kiểu hàng xách tay nên chất lượng yên tâm”.
Bà Ngọc cũng nói không biết thông tin về Nghị định 98 và khẳng định việc mua bán hàng xách tay của bà chủ yếu qua online, không trưng bày mua bán nhiều nên khó bị quản lý thị trường “vịn” (?). “Nếu em muốn mua về để bán lại, cũng đừng trưng bày “khoe” hàng hóa làm gì bị để ý, cứ âm thầm mua bán trên Facebook cho quen đã”, bà Ngọc khuyên khi nghe chúng tôi trình bày muốn làm đại lý bán hàng xách tay, lấy sỉ từ kho hàng của bà.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Chống gian lận thương mại TP.Hà Nội, cho rằng phạt tiền đến con số hàng trăm triệu đồng cũng không phải bỗng chốc chống được hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Chuyện hàng lậu, hàng xách tay trốn thuế nói cả chục năm nay rồi, nhưng đa số giao dịch mua bán trên mạng, làm sao quản lý để nói không có hóa đơn, phạt tiền. Nguyên phố Nguyễn Sơn bên H.Gia Lâm (Hà Nội) bán hàng xách tay hơn chục năm nay, thực tế xách tay không biết bao nhiêu sản phẩm, nhưng đó là nơi tiêu thụ hàng lậu là chủ yếu. Quản lý thị trường đi kiểm tra thường xuyên, nhưng các vụ phát hiện, phạt mới chỉ là bề nổi của tảng băng hàng lậu.
“Thực tế có hàng xách tay thật, nhưng số lượng rất ít, có thể cách làm kiếm thêm thu nhập, không ai giàu nhờ bán hàng xách tay cả, mà là bán hàng lậu. Muốn quản lý tốt hàng lậu, phải siết từ hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính... và vai trò của chính quyền địa phương, của con người chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán mới đến phạt. Khi chúng ta phạt 200 triệu đồng cho tổ chức có hành vi bán hàng lậu, thì hàng lậu đã vào bụng nhân dân rồi và nguồn lợi nhuận người bán thu về có thể đã 2 tỉ đồng. Nên tôi nhấn mạnh, phải quản cửa gốc, con người thực thi có cương quyết không hay vì lý do nào đó lại “cởi mở” với hàng vi phạm? Thứ hai, hình thức phạt bổ sung phải rút giấy phép kinh doanh, kể cả xử tù việc mua bán kinh doanh hàng lậu chứ không phải buôn lậu có giá trị lớn mới hình sự hóa”, ông Vũ Vinh Phú nói.



HCM   Hà Nội   Nghị định   Nhật Bản   Việt Nam   giá trị   hành vi   sân bay   thực phẩm