Khi tôi 6 tuổi, cha đã dạy tôi một bài học quan trọng về cách tiêu tiền, và nó đã mãi mãi thay đổi cách tôi chi tiêu sau này.
Đó là khoảng năm 1997, tôi và cha đã có một cuộc nói chuyện về "Sự khác biệt giữa những thứ mình muốn và thứ mình cần".
Khi đó, tôi là một học sinh mẫu giáo, rất thích uống sữa sô-cô-la của Soda Shop - một cửa hàng gần nhà tôi tại Davidson, North Carolina.
Cuộc nói chuyện không làm một cô bé 6 tuổi như tôi chú tâm cho đến khi cha tôi kết luận: "Không bao giờ được hỏi mua sữa sô cô la tại một nhà hàng. Hãy uống nước, vì nó miễn phí".
Chiều hôm đó, tôi học được rằng sữa sô-cô-la là thứ tôi muốn và nước là cái tôi cần.
Lúc đầu, cha là người đã dạy tôi như thế nào là mong muốn và thế nào là nhu cầu thiết thực. Và từ đó, tôi đã tự xây dựng các định nghĩa của riêng mình.
Tôi nhận ra rằng, những gì mình mong muốn luôn tăng nhanh hơn, theo cấp số nhân, so với cái mình cần. Và thật may mắn khi từ nhỏ tôi đã được dạy không nên sa đà vào sự mong muốn của mình.
Khi lớn lên, tôi bắt đầu hiểu được vì sao tất cả mọi thứ đều thuộc một trong hai loại này. Vì sao đôi giày học nhảy Samba mà tôi rất thích được tính là mong muốn, nhưng đôi giày tennis lại là cần thiết, do tôi thường phải thi đấu tennis vào mỗi cuối tuần.
Sự phân loại này rất hữu ích để phát triển lối sống tiết kiệm, tập trung vào những thứ "cần thiết" khi là một học sinh trung học và sinh viên đại học. Nhưng bài học của cha tôi càng giá trị hơn khi tôi bắt đầu cuộc sống tự lập. Để có thể tồn tại với mức thu nhập tối thiểu trong một thành phố đắt đỏ, bạn không những phải biết mà còn phải phân biệt được rõ ràng đâu là nhu cầu thiết thực và đâu là mong muốn.
Bài học về sữa sô-cô-la luôn được tôi áp dụng trong các chi tiêu hằng ngày. Đầu tiên, tôi xác định đó là mong muốn hay là nhu cầu thiết thực, và nếu là một mong muốn, tôi sẽ cân nhắc những ưu và khuyết điểm trước khi vô thức chi tiêu cho nó.
Tất nhiên, sẽ luôn có những thời điểm và hoàn cảnh cần một ly sữa sô cô la, sự phung phí đôi lúc sẽ giúp bạn cân bằng, nhưng thường thì tôi vẫn chọn một ly nước miễn phí.
Cách phân biệt này giúp cho bạn trở thành một người siêng năng và tiêu tiền có ý thức, điều mà không sách vở hay trường lớp nào dạy bạn. Và để nó có thể trở thành thói quen thì cần có thời gian hình thành và phát triển.
Tài chính cuộc sống Bài học thói quen tiết kiệm giá trị