Kiện đường Thái bán phá giá, ăn thua ở sự đồng lòng

28/09/2020 8:11  

Sáng ngày 22/9, trả lời Báo Doanh Nhân Sài Gòn về khả năng có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập từ Thái Lan, nhiều ý kiến cho rằng chỉ sợ cộng đồng doanh nghiệp không có sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng theo đuổi vụ kiện tới cùng...

Một thành viên Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết đã có trong tay nhiều chứng cứ thể hiện Ngành Mía đường Thái Lan đang được trợ cấp rất lớn, thể hiện ngay trong các nghị quyết của Chính phủ, văn bản và chính sách của bộ, ngành, kể cả hệ thống các nhà máy đường. Năm 2019, theo thống kê, ngành mía đường của Thái được hỗ trợ lên tới 10 tỷ baht (tương đương 7.300 tỷ đồng) thông qua chính sách trợ giá trực tiếp cho nông dân, hỗ trợ diện tích bị giảm sản lượng do hạn hán, thiên tai, hỗ trợ chi phí đầu vào (phân bón, giống…), khuyến khích nông dân sản xuất mía sạch, hữu cơ. Cũng trong năm này, VSSA còn điều tra được giá mía thực tế mà 53 nhà máy đường của Thái trả cho nông dân là 1.419 baht/tấn chứ không phải 800 baht như họ công bố.

Ngoài hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giá mía, Thái Lan cũng đang có chính sách bảo hộ sản xuất đường nội địa thông qua chính sách cấp hạn ngạch (quota) A, B, C. Lượng đường nằm trong quota A, được Chính phủ bảo trợ cho các nhà máy đường tiêu thụ nội địa với giá bán khá cao, trong khi quota B dùng cho xuất khẩu chính ngạch và sản lượng đường sản xuất dư thừa xếp vào quota C, được phép bán tiểu ngạch mà không bị kiểm soát giá.

“Thông thường, với quota A và B, các nhà máy đường đã đảm bảo lợi nhuận, nên quota C họ muốn bán giá nào cũng được và lâu nay nó được bán chủ yếu qua Việt Nam với giá rất rẻ”, một thành viên VSSA nói.

Dù khẳng định có đủ bằng chứng nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề còn lại là các nhà máy đường Việt Nam phải chứng minh được số liệu thiệt hại cụ thể của họ là bao nhiêu. Con số thiệt hại bắt buộc phải đủ cơ sở pháp lý, chứng minh khoa học, nhưng theo tìm hiểu của Doanh Nhân Sài Gòn, nhiều năm gần đây, có rất ít nhà máy đường báo cáo lỗ, hầu hết đều có lời. Trong đó đáng chú ý là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Doanh nghiệp niêm yết có thế khó, nếu báo cáo trung thực, tức là báo cáo lỗ sẽ bị ngân hàng đánh tụt tín nhiệm, cắt hạn mức, thậm chí không cho vay. Báo lỗ thì giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng, mất khả năng huy động vốn, kêu gọi đầu tư…”, một chuyên gia trong ngành đường phân tích. Được biết, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều ông lớn trong ngành đường đang có niêm yết trên sàn chứng khoán không tham gia vào vụ kiện lần này.

Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do thương mại, doanh nghiệp đang chịu sự cạnh tranh ghê gớm, ngay cả trên sân nhà. Tuy nhiên, để cùng nhau vượt qua rào cản thương mại, lúc này rất cần sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp chứ không thể mạnh ai nấy tự lo cho bản thân mình được.



Chính phủ   Doanh Nhân   hành vi   doanh nghiệp