Ngân hàng nội tăng vay vốn ngoại

29/09/2020 8:42  

Thị trường ngoại hối ổn định với tỷ giá USD/VND giảm trong thời gian gần đây và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đang giúp những ai vay USD có thể không còn quá lo lắng với rủi ro tỷ giá.  

Điều kiện thuận lợi

Sau khi phục hồi từ dưới mốc 92 điểm vào đầu tháng 9 lên 93,6 điểm tính đến ngày 9/9/2020, chỉ số USD Index đã đi xuống kể từ đó đến nay, rớt về dưới mốc 93 điểm vào cuối tuần qua. Sức mạnh của đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu trước việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, mà nhiều chuyên gia cho rằng đồng bạc xanh có thể tiếp tục giảm giá trong dài hạn.

Trong nước, tiền đồng đã tăng giá so với USD từ đầu tháng 6 đến nay. Tỷ giá trung tâm USD/VND do Ngân hàng Nhà nước niêm yết đã giảm trong quý II, và đà giảm đó đang tiếp diễn kể từ đầu tháng 9 đến nay. Ảnh hưởng từ diễn biến đi xuống của đồng USD trên thị trường quốc tế là rõ ràng, tuy nhiên nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào mới là động lực chính đẩy tiền đồng tăng giá.

Trong khi con số thặng dư thương mại hàng hóa lũy kế 8 tháng, theo Tổng cục Thống kê, ước tính đạt gần 11,9 tỷ USD vào cuối tháng 8, thì mới đây số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính thời gian nửa cuối tháng 8 vừa qua, xuất siêu đã lên tới 3,33 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa lũy kế 8 tháng lên 13,49 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp cũng góp phần đẩy nguồn cung ngoại tệ vượt trội so với nhu cầu.

Thị trường ngoại hối trong nước ổn định với tỷ giá USD/VND giảm trong thời gian gần đây và dự kiến khó tăng mạnh trong thời gian tới, đang giúp những ai vay USD có thể không còn quá lo lắng với rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là lãi suất USD đang ở vùng thấp, khiến nhu cầu vay đồng tiền này trên thị trường quốc tế gia tăng mạnh.

Cụ thể, sau 5 lần giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với tổng mức giảm 2,25%, lãi suất cơ bản USD hiện nay đang ở vùng thấp nhất, từ 0-0,25%, riêng trong tháng 3 vừa qua đã giảm đến 1,5% để chống chọi với những thiệt hại từ đại dịch Covid-19. Lãi suất thấp cùng với tiền rẻ liên tiếp bơm ra, cộng thêm xu hướng suy yếu của đồng USD đã khiến việc vay vốn đồng tiền này ngày càng được lựa chọn nhiều hơn tại các nền kinh tế trên thế giới.

Ngân hàng trong nước tích cực tìm vốn ngoại

Hiện có ba đợt phát hành trái phiếu (TP) ra thị trường quốc tế, với giá trị đăng ký 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu như năm 2019 đã có 300 triệu USD TP được phát hành thành công thuộc về VPBank, thì trong năm nay, tính đến thời điểm này vẫn chưa có thương vụ thành công nào được ghi nhận.

Trong những ngày đầu tháng 9, HDBank đã phát hành riêng lẻ 160 triệu USD TP quốc tế trong thời gian còn lại của năm nay, trong kế hoạch phát hành 1 tỷ USD TP tại nước ngoài giai đoạn 2020-2024. Ngân hàng ACB cũng có phương án phát hành TP quốc tế bằng đồng USD trong năm 2020 với không quá 10% tổng huy động tiền gửi. HDBank và ACB là những ngân hàng mới nhất tham gia phát hành TP quốc tế, khi trước đó trong năm 2019 đã có một loạt ngân hàng lên kế hoạch phát hành TP ngoại tệ như VPBank (1 tỷ USD), SHB (500 triệu USD), TPBank (200 triệu USD), SeABank (400 triệu USD), nhưng cuối cùng chỉ có VPBank phát hành thành công 300 triệu USD như kể trên. Không loại trừ khả năng thời gian tới sẽ có thêm ngân hàng phát hành TP quốc tế để tăng cường nguồn vốn ngoại tệ.

Mục đích phát hành TP ngoại tệ của các nhà băng chủ yếu phục vụ cho mục tiêu kinh doanh trong giai đoạn tới, cũng như nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn, trong bối cảnh việc huy động vốn ngoại tệ thời gian qua trở nên khó khăn hơn, khi trần lãi suất tiền gửi USD đã về 0% kể từ cuối năm 2015 cũng như trước các chính sách hạn chế đô la hóa khiến nguồn tiền gửi ngoại tệ trong dân chúng giảm sút mạnh.

Với lãi suất cho vay USD hiện nay từ 4-6%, nguồn vốn ngoại tệ huy động được từ phát hành TP mang lại lợi nhuận không đáng kể do biên lãi suất thấp. Như thương vụ phát hành của VPBank trong năm 2019 có lãi suất 6,25%, cao hơn mức lãi suất cho vay USD bình quân hiện nay, tuy nhiên, nếu chuyển nguồn vốn ngoại tệ này ra thành tiền đồng và cho vay với lãi suất từ 8-10%, các ngân hàng sẽ có lợi lớn từ hoạt động này.

Dù vậy, những thiệt hại về tỷ giá tuy gần đây đã giảm, nhưng trong tương lai khó nói chắc được điều gì, khi các khoản vay qua TP quốc tế thường có kỳ hạn dài. Cuộc họp giữa tháng 9 mới đây của FED cam kết giữ lãi suất ở vùng thấp hiện tại trong ba năm tới, và sau đó mới cân nhắc tăng trở lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với lãi suất sẽ bắt đầu đi lên từ cuối năm 2023, và đồng USD cũng sẽ bắt đầu xu hướng tăng trở lại, khi đó những khoản vay ngoại tệ sẽ đối mặt với rủi ro khó lường.



Covid   Covid-19   Hoa   Lãi suất   Ngân hàng   chuyên gia   chính sách   giá trị   thành công   đầu tư