Nỗi lo trên được xuất phát từ khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, nhiều DN khó khăn dẫn đến việc phải cắt giảm nhân sự. Khảo sát lần 2 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, 47% DN buộc phải cắt giảm lao động khi dịch Covid-19 tái bùng phát, 20% DN phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã cắt giảm 10% nhân sự. Số lao động phải nghỉ việc tại các đơn vị thành viên của Hiệp hội Nhựa là 30-60%. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, mỹ nghệ, lượng lao động bị sa thải cũng tới 30%. Riêng ngành du lịch, hiện rất nhiều hướng dẫn viên, nhân viên trong ngành có tay nghề, có kinh nghiệm nhưng do nhiều công ty cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động cũng đã phải nghỉ việc và chuyển nghề.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khi dịch bệnh qua đi thì nhu cầu phát triển kinh tế cũng như du lịch sẽ bùng nổ nên ngoài việc trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều DN đang chủ động các kế hoạch đào tạo, nâng cao chuyên môn, chăm lo hơn cho nhân viên và củng cố văn hóa DN để vừa giữ nhân lực, vừa chuẩn bị sức bật mới sau dịch bệnh.
Trong khảo sát KPMG CEO Outlook năm 2020 vào tháng 1 và 2/2020, khi được hỏi điều gì có thể gây rủi ro lớn nhất cho DN trong 3 năm tới, các CEO cho rằng rủi ro về nhân tài là đáng quan ngại nhất bao gồm cả tuyển dụng và phúc lợi để giữ chân nhân viên. Điều đó cho thấy, nhân lực chính là nguồn tài sản lớn để DN vực dậy sau khủng hoảng.
Chính vì thế, nhiều DN đã ưu tiên việc củng cố môi trường làm việc an toàn, tìm kiếm giải pháp giúp nhân viên có thể thể hiện năng lực của họ trong công việc dù làm tại nhà song song với việc chăm sóc gia đình trong suốt giai đoạn cách ly xã hội. Theo bà Marian Salzman - Phó tổng giám đốc cấp cao, phụ trách truyền thông toàn cầu của Tập đoàn Philip Morris International (PMI), khủng hoảng Covid-19 là dịp để các DN củng cố và trau dồi sức mạnh văn hóa DN, khẳng định vai trò thiết yếu của mối dây liên kết giữa DN và người lao động.
Văn hóa đó cần ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của nhân viên và gia đình họ, đảm bảo tất cả đều cảm thấy yên tâm với công việc và nhận được sự giúp đỡ cần thiết trong khủng hoảng. Đó cũng là cách mà các lãnh đạo “nuôi cấy” tinh thần đồng lòng của toàn thể DN để bộ máy được vận hành trơn tru.
Bà Marian cho biết thêm, kể từ lúc bắt đầu công bố dịch và triển khai làm việc tại nhà, đã có hàng loạt chính sách, chương trình hoạt động của PMI được diễn ra để giúp nhân viên vượt qua khỏi những khó khăn khi vừa phải sống chung với dịch, chăm sóc gia đình và đảm bảo sự vận hành của công việc. Các chương trình tư vấn cách bảo vệ sức khỏe, phòng tránh Covid-19 đều do các nhà khoa học hàng đầu tại PMI hướng dẫn được triển khai. Bên cạnh đó, các lá thư động viên từ cấp lãnh đạo được gửi đến thường xuyên hơn để giúp nhân viên duy trì nguồn năng lượng tích cực dù bất cứ môi trường làm việc nào.
Cũng trong suốt thời kỳ này, nhân viên của PMI vẫn được tham gia các lớp học kỹ năng và những buổi huấn luyện được dẫn dắt bởi hơn 12 lãnh đạo cấp cao. Nhiều bộ phận trong PMI cũng đã giúp quản lý và đóng góp vào việc củng cố sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân viên, bao gồm bộ phận Sức khỏe và an toàn; Đón nhận và đa dạng; Con người và văn hóa.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh của ngành du lịch những năm gần đây, ngành khách sạn cao cấp có tốc độ phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nguồn nhân sự chất lượng cao.
Mỗi năm, toàn ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người. Chưa kể việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ cũng là một rào cản đối với nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực được triển khai.
Ông Steve Wolstenholme - Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana cho biết: “Đào tạo bồi dưỡng nhân tài là công tác được công ty đặc biệt quan tâm ngay từ khi mới hoạt động. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao sự cầu tiến của đội ngũ nhân viên người Việt nên định hướng của Hoiana là đào tạo các nhân sự địa phương chất lượng cao để họ đủ sức vươn lên vị trí quản lý, thậm chí là các vị trí quản lý cấp cao. Sau khủng hoảng Covid-19, cùng với việc tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực càng quan trọng hơn bao giờ hết và phải được xem là chiến lược cần tập trung mạnh mẽ hơn nếu các DN muốn nhanh chóng phục hồi và vực dậy.
Được xem là khu nghỉ dưỡng phức hợp có quy mô lớn tại Quảng Nam nên nguồn nhân lực có tay nghề là thách thức lớn đối với Hoiana. Điều này còn rất quan trọng trong chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao tại địa phương trước nhu cầu phát triển mạnh về du lịch trong sắp tới. "Đó là lý do chúng tôi liên kết với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thành lập Trung tâm đào tạo nghề du lịch Quảng Nam - Hoiana để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế phục vụ cho dự án Hoiana và sau đó là đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành du lịch của Quảng Nam", đại diện Hoiana nói. Học viên cũng được cung cấp các khóa học miễn phí để đào tạo nghề, giúp các học viên có đủ kỹ năng và tạo cơ hội làm việc trong ngành du lịch.
Theo ông Steve, tất cả những điều chúng tôi đang và đã làm chính là văn hóa DN, động lực để thúc đẩy nhân viên làm việc chuyên nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu, giúp du lịch Việt Nam ngày càng phát triển và nắm bắt được cơ hội tốt nhất sau dịch.
Khẳng định giá trị của việc xây dựng văn hóa DN, ông Steve Wolstenholme cho biết thêm, trong thời gian dịch, ưu tiên hàng đầu của Hoiana là đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên. Hiện tại, Hoiana vẫn tiếp tục tuyển dụng cho các vị trí thiết yếu, đào tạo thêm kỹ năng cho nhân sự để sẵn sàng đón lượng khách cao cấp bùng nổ trở lại khi dịch lắng xuống.
Kinh tế cuộc sống Covid hành vi Tập đoàn doanh nghiệp giá trị