Quản lý rủi ro tài chính

28/09/2020 8:05  

Rủi ro là vấn đề cố hữu trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Do đó, quản lý rủi ro tài chính hiệu quả là rất cần thiết.

Trong nhiều loại rủi ro mà doanh nghiệp (DN) có thể gặp phải, rủi ro tài chính (financial risk) có tác động tức thời đến dòng tiền và lợi nhuận. DN có thể lường trước những rủi ro này và vượt qua chúng bằng kế hoạch quản lý rủi ro tài chính khả thi nhất.

Rủi ro tài chính là gì?

Bất cứ điều gì liên quan đến dòng tiền vào và dòng tiền ra (cash flow) của DN đều có thể có rủi ro tài chính. Do danh sách rủi ro tiềm ẩn, các nhà phân tích thường đặt chúng vào một trong bốn loại sau:

Rủi ro thị trường. Như tên gọi, rủi ro thị trường (market risk) là bất kỳ rủi ro nào xuất phát từ thị trường mà DN đang hoạt động. Ví dụ, nếu đang kinh doanh trực tiếp một cửa hàng thực phẩm, với xu hướng khách hàng ngày càng thích mua hàng trực tuyến sẽ là một rủi ro thị trường. DN thích nghi để mua bán trực tuyến sẽ có cơ hội sống sót cao hơn DN gắn bó với mô hình kinh doanh truyền thống.

Nói chung, bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, DN đều có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh vượt mặt. Nếu không theo kịp xu hướng người tiêu dùng và xu hướng giá cả, có khả năng DN sẽ mất thị phần.

Rủi ro tín dụng thương mại. Rủi ro tín dụng thương mại (credit risk) hay rủi ro bán chịu là khả năng DN sẽ mất tiền vì khách hàng không thực hiện theo điều khoản của hợp đồng. Nếu giao hàng cho khách hàng theo thời hạn thanh toán 30 ngày mà không nhận được một phần hoặc toàn bộ tiền thì DN đã gặp rủi ro tín dụng. DN phải có đủ nguồn tiền dự trữ để trang trải các khoản phải trả nếu không sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền, thậm chí có thể phá sản.

Rủi ro thanh khoản. Rủi ro thanh khoản (liquidity risk) còn gọi là rủi ro nguồn quỹ. Loại rủi ro này bao gồm các rủi ro gặp phải trong khi cố gắng bán tài sản hay hàng hóa hoặc gây quỹ. Nếu có điều gì đó cản trở DN tăng nhanh lượng tiền mặt, thì đó là rủi ro thanh khoản. Ví dụ, một DN thời vụ có thể gặp phải tình trạng thiếu dòng tiền trong mùa trái vụ hay giáp hạt.

Những câu hỏi mà DN nên lưu ý: Có đủ tiền dành cho rủi ro thanh khoản tiềm ẩn hay không? Làm thế nào để xử lý nhanh hàng tồn kho hoặc tài sản cũ để có được lượng tiền mặt cần thiết? Điều gì sẽ xảy ra với dòng tiền của DN nếu tỷ giá hối đoái hoặc lãi suất đột ngột thay đổi? Bởi rủi ro thanh khoản cũng bao gồm rủi ro tiền tệ (currency risk) và rủi ro lãi suất (interest rate risk).

Rủi ro hoạt động. Rủi ro hoạt động (operational risk) là một thuật ngữ bao gồm các rủi ro mà DN có thể gặp phải trong hoạt động hằng ngày. Doanh thu bán hàng thấp, trộm cắp, gian lận, kiện cáo, kế hoạch tài chính không thực tế, kế hoạch tiếp thị không chính xác đều có thể gây rủi ro cho lợi nhuận và dòng tiền của DN nếu chúng không được dự báo và xử lý chính xác.

Quản lý rủi ro tài chính

Quản lý rủi ro tài chính không phải là việc loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình kinh doanh. Ý tưởng của quản lý rủi ro là hiểu rõ những rủi ro mà DN sẵn sàng chấp nhận, những rủi ro nào muốn tránh và phương cách mà DN phát triển cách quản lý rủi ro (risk appetite).

Đó là những thông lệ, quy định, quy trình và chính sách mà DN sử dụng để đảm bảo nó không gặp nhiều rủi ro hơn mức kế hoạch đã chuẩn bị. Nói cách khác, kế hoạch sẽ làm rõ cho đội ngũ nhân viên những gì họ có thể và không thể làm, ai chịu trách nhiệm chung cho bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra.

Làm thế nào để kiểm soát rủi ro tài chính? Các DN quản lý rủi ro tài chính theo những cách khác nhau. Quá trình này phụ thuộc vào những gì DN làm, thị trường hoạt động và mức độ rủi ro mà nó được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó hay chấp nhận. Theo nghĩa này, tùy thuộc vào chủ DN và giám đốc điều hành để xác định, đánh giá rủi ro và quyết định cách thức quản lý chúng.

Các bước trong quy trình quản lý rủi ro tài chính gồm:

Xác định nguồn gốc rủi ro. Quản lý rủi ro bắt đầu bằng cách nhận diện rủi ro tài chính, nguồn gốc hoặc nguyên nhân xảy ra. Quen thuộc và tốt nhất để bắt đầu là bảng cân đối tài chính của DN - nơi cung cấp nhanh về nợ, tính thanh khoản, ngoại hối, lãi suất, giá cả, hàng tồn kho mà công ty đang phải đối mặt.Tiếp theo, xem xét báo cáo thu nhập và báo cáo dòng tiền nhằm xem xét thu nhập, lợi nhuận và dòng tiền biến động hoặc tương quan theo thời gian như thế nào và tác động của nó đến hồ sơ rủi ro của DN.

Các câu hỏi để kiểm tra mức độ rủi ro tài chính gồm: Nguồn doanh thu chính của DN là những gì? Khách hàng nào công ty mở rộng tín dụng hay bán chịu? Các điều khoản tín dụng, bán chịu là gì? Công ty có các loại nợ nào, ngắn hạn hay dài hạn? Điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tăng?

Định lượng rủi ro. Bước thứ hai là định lượng bằng số cho những rủi ro đã được nhận diện. Các nhà phân tích chuyên nghiệp thường sử dụng các mô hình thống kê như phương pháp hồi quy (regression), độ lệch chuẩn (standard deviation) để đo lường mức độ dao động trước các yếu tố rủi ro. Các công cụ này đo lường những điểm dữ liệu (data point) từ giá trị trung bình (average/mean).

Đối với DN nhỏ, bảng tính Excel có thể giúp thực hiện một số phân tích đơn giản nhưng hiệu quả và chính xác. Nguyên tắc chung là độ lệch chuẩn càng lớn, rủi ro liên quan đến điểm dữ liệu hoặc dòng tiền định lượng càng lớn.

Ra quyết định phòng ngừa rủi ro. Sau khi phân tích các nguồn gốc rủi ro, DN sẽ quyết định phương cách hành động.

Doanh nghiệp có thể "sống chung" với rủi ro? Có cần phải giảm thiểu hoặc chống lại rủi ro theo một cách nào đó?

Quyết định khó khăn này dựa trên nhiều yếu tố, như mục tiêu, môi trường kinh doanh của công ty, thái độ trước rủi ro của chủ DN và nhà quản lý; và liệu chi phí đánh đổi (trade-off) để giảm thiểu rủi ro có phù hợp hay biện minh cho việc giảm thiểu rủi ro hay không.

Nói chung, có thể xem xét các bước sau: Giảm biến động dòng tiền. Vay với lãi suất cố định để có sự chắc chắn trong chi phí tài chính. Kiểm soát chặt chẽ chi phí điều hành, quản lý, đặc biệt là các chi phí cố định. Quản lý các điều khoản thanh toán và tín dụng thương mại (phải thu, phải trả). Đặt các thủ tục kiểm soát tín dụng và thanh toán nghiêm ngặt ngay tại chỗ, từng hóa đơn. Mạnh dạn, dứt khoát chia tay với những khách hàng thường xuyên lạm dụng các điều khoản tín dụng của DN.

Hiểu rõ giá cả hàng hóa đầu vào của DN, nghĩa là sự nhạy cảm trước sự thay đổi về giá các yếu tố đầu vào. Một DN ngành vận tải, chẳng hạn, giá nhiên liệu tăng chắc chắn làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận. Đảm bảo đúng người được giao những công việc phù hợp với mức độ giám sát thích hợp để giảm nguy cơ tiêu cực. Thẩm định đối với các dự án đầu tư. Xem xét các yếu tố không chắc chắn liên quan đến đối tác hoặc liên doanh.

Cần lưu ý, phòng ngừa, phân tán rủi ro là một sự đánh đổi (trade-off). Các hành động trên đây đều tác động đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Mọi quyết định đều phải dựa trên phân tích lợi ích, chi phí (benefit/cost).

Trong một DN nhỏ, chủ DN chịu trách nhiệm quản lý rủi ro với sự trợ thủ kỹ thuật của nhân viên chuyên ngành. Chỉ khi DN phát triển với nhiều bộ phận, khi ấy có thể thuê ngoài từ các công ty hay tổ chức tư vấn chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rủi ro.



doanh nghiệp   giá trị   thực phẩm