Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi trao đổi với ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) - Phó ban điều hành chuyển đổi số HUBA để làm rõ hơn vấn đề này.
Thưa ông, lợi ích lớn nhất của doanh nghiệp (DN) khi CĐS là gì?
Lợi ích lớn nhất là khả năng thích ứng và chủ động thay đổi về mặt vận hành, quy trình và phương thức kinh doanh để tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng kịp thời với những vận động khó lường của thị trường. CĐS về cơ bản là tạo ra các DN có sức đề kháng cao hơn, năng động và nhanh nhạy hơn.
Xu hướng CĐS thời gian qua của DN thuộc những ngành nghề nào và những bộ phận cụ thể nào, hiệu quả ra sao thưa ông?
Việc CĐS đang diễn ra đồng đều ở các ngành nghề, quy mô DN trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, các DN khởi nghiệp, các DN thương mại dịch vụ, bán lẻ, sản xuất có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ áp dụng CĐS.
Việc CĐS không cùng lúc diễn ra trên toàn bộ hoạt động của DN mà diễn ra ở từng phòng ban và bộ phận chức năng, trong đó tài chính kế toán và văn phòng số là hai bộ phận có sự CĐS mạnh mẽ và hiệu quả cao nhất.
DN SME thường có ít phòng ban và nhân viên, hoạt động cũng khá đơn giản, họ có cần CĐS ngay thời điểm này?
DN SME thường có mối bận tâm duy nhất trong giai đoạn đầu chính là tiết kiệm chi phí hoạt động tối đa và tập trung vào các hoạt động kinh doanh để tăng trưởng lợi nhuận. Do đó, đây chính là đối tượng rất cần áp dụng CĐS số.
Một trong những lợi ích không thể phủ nhận của CĐS chính là tự động hóa các quy trình thường nhật, tăng tốc độ xử lý, giảm thiểu lãng phí về nhân lực, nguồn lực, giúp tối ưu ngân sách hoạt động. Đồng thời, với việc áp dụng những công cụ và ứng dụng CĐS sẽ giúp DN nắm bắt nhanh chóng nhu cầu khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ của DN, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, DN SME có lợi thế về cấu trúc tổ chức phòng ban và quy trình còn đơn giản, nên dễ dàng áp dụng CĐS.
DN SME cần bao nhiêu thời gian để CĐS trong toàn hệ thống DN?
Tùy theo tính chất, quy mô và mục tiêu của DN trong việc áp dụng CĐS mà thời gian CĐS của DN có thể diễn ra khác nhau. Tuy nhiên với những tiến bộ và phát triển không ngừng của công nghệ như Big Data, điện toán đám mây, giờ đây các giải pháp CĐS có thể được cung cấp đến DN dưới dạng dịch vụ (SaaS – Software as a Service). Điều này cho phép rút ngắn thời gian CĐS đến 80% so với trước kia.
Với những DN SME có yêu cầu áp dụng CĐS cơ bản, thời gian triển khai có khi chỉ tính bằng ngày chứ không phải tháng hay năm như trước đây. Tuy nhiên, để việc CĐS diễn ra nhanh chóng thì lời khuyên của các chuyên gia là DN nên CĐS từng phần một, từng phòng ban chức năng một.
Sau khi CĐS số xong, tác động tích cực nào sẽ đến đầu tiên trong hoạt động của DN SME?
Tự động hóa quy trình, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất công việc là 3 tác động tích cực sẽ đồng thời diễn ra khi DN áp dụng CĐS. Đây là những tác động có tính cộng hưởng không thể phủ nhận khi DN có các công cụ để tự động hóa các quy trình hàng ngày. Từ đó lãnh đạo DN có thể ra quyết định nhanh chóng về việc tinh chỉnh hoạt động và tối ưu chi phí của DN.
Mục tiêu đến hết năm 2020, HUBA sẽ hỗ trợ được bao nhiêu DN ở TP.HCM CĐS thành công và chuyển đổi ở mức độ nào?
Mục tiêu và cũng là sứ mệnh của HUBA, Hội Tin học TP.HCM (HCA) và các DN cung cấp dịch vụ là sẽ đồng hành và hỗ trợ ít nhất cho trên 10.000 DN là thành viên của HUBA trong hành trình CĐS.
CĐS có nhiều giai đoạn, mức độ và quy mô khác nhau, nhưng trọng tâm của HUBA và HCA là hỗ trợ các DN số hóa thông tin, dữ liệu, áp dụng các ứng dụng CĐS cơ bản và cải tiến các quy trình vận hành cốt lõi.
Trong bối cảnh khó khăn, DN thường cắt giảm chi phí tối đa để duy trì hoạt động. CĐS sẽ tốn thêm chi phí. HUBA và TP.HCM có những chính sách nào hỗ trợ chi phí cho DN CĐS?
HUBA và HCA, với sự chỉ đạo sát sao của UBND TP, đã và đang đề ra nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu hỗ trợ DN trong công tác CĐS.
Đơn cử như HUBA và HCA đã làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT đưa ra các gói giải pháp cho nhiều đối tượng DN, đa dạng ngành nghề với nhiều gói dịch vụ tùy chọn. Hơn nữa, các gói dịch vụ CĐS cũng được cung cấp với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, DN không cần phải thanh toán một lần chi phí quá lớn mà có thể thuê dịch vụ và trả tiền sử dụng theo từng tháng.
Như vậy, DN hoàn toàn yên tâm CĐS mà không cần phải đầu tư hệ thống phần cứng phức tạp tốn kém, không cần phải lo ngại chi phí sử dụng quá lớn. Giờ đây, chỉ cần trên dưới vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn mỗi tháng là DN đã có thể áp dụng những giải pháp CĐS cơ bản. Đó là nỗ lực của HUBA và HCA để tháo gỡ những rào cản về mặt chi phí cho DN.
Trong 1-3 năm tới, Chương trình CĐS sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM ra sao?
Dựa trên nghiên cứu của Microsofft năm 2017: Tại châu Á, CĐS giúp tăng GDP khoảng 6%, năm 2019 là 25%. Riêng tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, CĐS được xác định là chìa khóa để tiến tới mục tiêu kinh tế số trong vài năm tới.
Với vai trò đầu tàu, là thành phố năng động nhất cả nước, việc các DN trên địa bàn áp dụng CĐS không những giúp TP tiếp tục giữ vững năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hoàn thành xuất sắc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho giai đoạn đến năm 2030.
Xin cảm ơn ông!
thành công Mục tiêu Doanh Nhân hành vi doanh nghiệp tiết kiệm