Vì sao người dân chặn thi công dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2, Quảng Nam?

29/09/2020 16:05  

'Nếu đang khiếu nại thì không được thi công'

Ngày 29.9, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, liên quan đến vụ việc người dân tập trung phản đối, ngăn cản việc san ủi đất thi công dự án hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2, tỉnh đã nhận được báo cáo của UBND H.Thăng Bình. Đồng thời, theo báo cáo của UBND H.Thăng Bình, hiện nay đất của 19 hộ dân có ảnh hưởng đến dự án mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng 2, nguồn gốc đất đều không có số đỏ, đất của nhà nước.

“Việc các hộ dân đang khiếu nại về việc tại sao thu hồi đất sản xuất hoa màu lâu năm nhưng không đền bù thì đây là việc khiếu nại chính đáng của người dân chứ không có việc gì cả. UBND H.Thăng Bình đã giao cho xã Bình Nam xử lý và cũng đã đối thoại với dân nhiều lần. Xã cũng đang xử lý hồ sơ khiếu nại của người dân”, vị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Vị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, riêng về vấn đề dân tập trung khiếu nại, ngăn cản đơn vị thi công tỉnh cũng đã nắm từ báo cáo của huyện và đã chỉ đạo địa phương này sớm giải quyết dứt điểm việc người dân khiếu nại để tránh tình trạng dân ngăn cản thi công rồi xảy ra xung đột không đáng có.

“Trong trường hợp người dân sai thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế để bảo vệ thi công. Còn trong trường hợp đang tranh chấp, khiếu nại thì đơn vị (doanh nghiệp - PV), không thể tự ý thi công mà phải đợi giải quyết xong mới được tiến hành thi công”, vị này thông tin thêm.

Trước đó, hàng chục người dân thôn Nghĩa Hòa bỏ công bỏ việc tập trung phản đối, ngăn cản việc san ủi đất để thi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2.

Bà Phan Thị Ánh (58 tuổi, ở thôn Nghĩa Hòa) cho biết, đất mà doanh nghiệp san ủi để thi công công trình là đất của 19 hộ dân canh tác hoa màu nhiều năm nay. Đất này, nguyên thủy do ông bà trước đây khai hoang rồi để lại. Người dân sau đó tiếp tục canh tác, sản xuất hoa màu trên chính những mảnh đất này. Đến tháng 6.2016, UBND tỉnh Quảng Nam thông báo sẽ thực hiện dự án trên khu đất này, nên đình chỉ không cho người dân sản xuất nữa.

Bà Ánh cho biết tháng 1.2017, UBND xã Bình Nam gọi từng hộ dân có đất sản xuất hoa màu trên đến kê khai, phân loại đất, tách thửa và đo đạc xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất và lập biên bản mô tả ranh giới. Sau khi xác định nguồn đất và không hề có sự tranh chấp giữa các hộ sử dụng đất liền kề, xã cũng đã quy ra chủ đất. Cũng theo bà Ánh, Chủ tịch UBND xã Bình Nam khi đó là ông Trần Văn Tốt đã ký xác nhận.

“Đầu năm 2019, Hội đồng UBND xã Bình Nam họp, ra thông báo đất người dân khai hoang trồng hoa màu trước đó là "đất của xã". Tháng 2.2020, UBND H.Thăng Bình ra quyết định thu hồi đất”, bà Ánh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Minh (67 tuổi) cho biết đơn vị thi công san ủi đất trồng cây hoa màu của người dân nhưng không hề thông báo. Từ tháng 2.2020, máy móc được đưa vào san ủi, thi công đường. Người dân sau đó đã tập trung can ngăn không cho thi công.

“Đất dân chúng tôi canh tác bao đời này chưa được kê khai, đền bù đã bị thu hồi để thi công dự án. Khi dự án về, thì chính quyền xã lại bảo đất người dân bỏ hoang nhiều năm nay nên không được nhận đền bù ?”, ông Minh thắc mắc.

Ông Minh cho rằng, đất người dân khai hoang, canh tác bao lâu nay nhưng khi UBND tỉnh có quyết định dừng sản xuất để thực hiện dự án, thì người dân vui vẻ chấp hành.

“19 hộ dân chúng tôi đã đơn kiến nghị lên UBND tỉnh để làm rõ chuyện bồi thường, đền bù. Mặc dù, đất đang kiến nghị, nhưng chính quyền vẫn giao đất cho doanh nghiệp san ủi, thi công dự án. Nếu chúng tôi không ra ngăn cản thì doanh nghiệp đã san ủi xong hết rồi. Người dân chúng tôi bỏ hết công việc ngày nào cũng phải thay nhau túc trực, giữ đất”, ông Minh nói.

Không xác định được nguồn gốc đất nên không thể bồi thường? 

Ông Phạm Công Quốc, Chủ tịch UBND xã Bình Nam, cho biết vừa rồi địa phương đã tổ chức đối thoại với người dân có đơn kiến nghị để nói rõ vấn đề cũng như tuyên truyền, vận động người dân không nên ngăn cản các đơn vị thi công để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. Về vấn kiến nghị của dân thì hiện nay xã đang từng bước xử lý.

“Diện tích đất 19 hộ dân kiến nghị thì theo hội đồng tư vấn của xã thì diện tích này bỏ hoang, không sản xuất từ lâu. Hội đồng tư vấn đã xác định, đã trả lời bằng văn bản cho các hộ rằng đất này không phải đất của dân, nên không có cơ sở để bồi thường, đền bù”, ông Quốc khẳng định.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Châu Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Thăng Bình, cho hay: “Việc người dân tập trung ngăn cản thi công dự án này huyện đã nắm. Người dân không được công nhận đền bù bởi do thời gian dài không có dấu hiệu canh tác. Những người nào sản xuất liên tục, được xã công nhận, thì mới nhận được hỗ trợ đền bù”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, quy trình làm thủ tục thì có hội đồng tư vấn của xã, chủ tịch xã xác nhận lịch sử sử dụng đất, trên cơ sở họp dân lấy ý kiến. Kết quả cuối cùng đánh giá sử dụng đất loại đất gì, canh tác cây gì ngày nào, tháng nào và áp dụng theo luật. Nếu cả hội đồng xác nhận trước ngày 1.7.2014, thì không người dân không thể nhận được bồi thường. 

“Theo luật Đất đai nếu anh không sử dụng liên tục, thường xuyên thì sẽ thu hồi và không được công nhận. Riêng đối với đất trồng cây lâu năm nếu không sử dụng trong vòng 24 tháng thì thu hồi, khi đền bù thì không được công nhận. Đất trồng cây hằng năm thì 12 tháng không sử dụng thì không được công nhận”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng 2 do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, với quy mô 103,5 ha, hiện đã phê duyệt bồi thường hỗ trợ diện tích thu hồi cộng dồn là 11,24 ha.



doanh nghiệp   lãnh đạo   doanh nghiệp   kiến nghị   lãnh đạo   lãnh đạo   sản xuất   tập trung   Đầu tư   Đầu tư