Vụ hành khách phản ứng giá cách ly: VietJet Air nói không phát ngôn về giá

02/10/2020 14:54  

Cuộc họp báo chủ đề "Cung cấp thông tin về mức phí cách ly ở khách sạn sau nhập cảnh tại TPHCM" đã được tổ chức tại Trung tâm Báo chí TPHCM vào chiều muộn 1-10, không lâu sau khi có thông tin về việc do không thống nhất được giá cách ly khách sạn khiến nhiều hành khách đi chuyến bay VJ963 trưa 30-9, chặng Seoul (Hàn Quốc) - TPHCM của VietJet đã phải vật vạ nhiều giờ liền ở sân bay và phản ứng với hãng bay này.

Hành khách trên chuyến bay cho rằng, Vietjet Air đã thông báo chi phí cách ly ở khách sạn từ 1,3 triệu đồng/ngày nhưng khi đến nơi họ lại nhận được mức thông báo giá cao hơn, lên đến 5 triệu đồng mỗi ngày.

VietJet Air nói chỉ đưa danh sách khách sạn

Tại buổi họp báo cùng các cơ quan chức năng thành phố vào chiều nay (1-10) tại Trung tâm Báo chí TPHCM, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc VietJet Air, cho biết trong chuyến bay ngày 30-9, hãng đã thông báo cho khách bay tất cả các quy định về cách ly qua tin nhắn và e-mail. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có thông tin bị hiểu nhầm hoặc có sự kỳ vọng thái quá của khách hàng.

Bà Bình cho biết, trong thông báo Vietjet nói rất rõ các khách sạn trong danh sách đã được các cơ quan chức năng chỉ định vì có đủ điều kiện lưu trú và có thu phí, hành khách có thể lựa chọn các khách sạn được chỉ định. “Chúng tôi đã thông báo rõ cách ly tại các khách sạn do trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ định. 100% hành khách ký cam kết đã nhận được các quy định”, bà Thúy Bình nói. Tuy nhiên, khi về đến sân bay nhiều khách hàng lại không đồng ý với thỏa thuận đã ký kết.

Về việc hành khách phản ánh giá lưu trú ở khách sạn khi cách ly quá cao, bà Thúy Bình cho biết, Vietjet không quyết định giá khách sạn mà thông qua Sở Du lịch và Sở Y tế. Trong danh sách khách sạn đủ tiêu chuẩn được chỉ định, hãng Vietjet tìm các khách sạn giá thấp nhất để đáp ứng nhu cầu của hành khách nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Và Vietjet chỉ thông báo cho hành khách mức phí lưu trú dự kiến. “Tôi khẳng định Vietjet không phát ngôn về giá khách sạn. Khi xảy ra sự cố tại sân bay, hãng luôn cố gắng tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hành khách”, bà Thúy Bình nói.

Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Vietjet, khi để đại lý bán vé quá cao, bà Thúy Bình cho biết, hãng có các kênh bán vé chính thống với giá niêm yết được công khai. Bà khuyến nghị hành khách nên tìm mua ở các kênh chính thống để tránh bị nâng giá.

Tìm thêm khách sạn giá thấp để cách ly

Liên quan đến giá khách sạn lưu trú để cách ly, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, trong danh sách khách sạn cách ly có trả phí thì có hai khách sạn đang sử dụng cách ly cho phi hành đoàn bay, tám khách sạn cho chuyên gia và người lao động người nhập cảnh với công suất là 940 phòng. Tất cả danh sách và giá lưu trú của từng khách sạn đã được công khai tại trang web của Sở Lao động Thương binh và xã hội.

Đối với giá lưu trú của khách sạn được tính theo hạng sao của từng khách sạn, với giá trung bình từ 1.250.000  đến 5 triệu đồng/phòng. Nếu kèm một số dịch vụ khác thì giá sẽ cao hơn. Biểu giá cao hay thấp là phụ thuộc vào khách sạn và dịch vụ đi kèm mà hành khách chọn. 

Để đáp ứng nhu cầu cách ly khi các chuyến bay thương mại được phép khai thác, bà Hoa cho biết, trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Y tế để đưa thêm nhiều khách sạn đủ tiêu chuẩn vào danh sách cách ly có thu phí. Hiện Sở Du lịch đề xuất thêm 16 khách sạn, với công suất 1.025 phòng để đưa vào phục vụ cách ly.

Theo bà Hoa, trong số 16 khách sạn được đề xuất sẽ xem xét đưa thêm các khách sạn tiêu chuẩn một sao để đảm bảo phục vụ cho nhiều đối tượng. “Sở Du lịch sẽ kiểm tra giám sát. Nếu khách sạn cách ly nào nâng giá sẽ xử lý theo quy định”, bà Hoa khẳng định.

Nói về sự việc ngày 30-9, bà Hoa cho biết, hãng Vietjet đã đưa trước cho hành khách các biểu giá khách sạn, tuy nhiên khi về Việt Nam hành khách nói giá cao so với khả năng thì Sở Du lịch đã vận động 4 khách sạn đã giải quyết cho hành khách với giá 1,3 triệu/phòng. Đồng thời, hỗ trợ miễn phí tiền vận chuyển từ sân bay đến khách sạn và miễn phí suất ăn cho hành khách.

Đề xuất thu phí trước

Tại buổi họp báo, ông Phan Tham Tâm, Phó giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết hiện nay các chuyến bay nước ngoài về được phân ra từng nhóm đối tượng để cách ly. Trong đó, việc cách ly tại doanh trại quân đội dành cho các chuyến bay giải cứu, cón các đối tượng đi chuyến bay thương mại sẽ cách ly ở các khách sạn có trả phí. Theo quy định, hiện nay việc cách ly trả phí khuyến khích 1 người /phòng những người có quan hệ gia đình thì mới ở chung một phòng.

Để tránh các sự cố tương tự cho các chuyến bay sau này, ông Đoàn Quốc Bình, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, cho biết thời gian tới đề nghị các hãng hàng không có quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ, cần thu trước các chi phí liên quan như phí xét nghiệm, một phần phí lưu trú khách sạn vì đây là chuyến bay thương mại. Đồng thời, Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng kiến nghị Cục Hàng không yêu cầu các hãng làm chặt chẽ các quy trình đối với các chuyến bay thương mại.

Nói thêm về sự cố hành khách phản ứng giá lưu trú quá cao, ông Võ Chiến Thắng, Phó trưởng phòng xuất nhập cảnh Công an TPHCM, cho biết những công dân cam kết bay chuyến bay thương mại khi về Việt Nam cách ly có thu phí. Tuy nhiên, nhiều hành khách cứ hiểu là về Việt Nam thì được cách ly miễn phí.

Vì thế, một số người khi về đến sân bay nói là không đủ tiền để đi cách ly. Một số người đòi ở chung phòng để giảm chi phí nhưng ở chung nhiều người cùng phòng lại vi phạm cách ly. Sau đó, các cơ quan chức năng và khách sạn đã hỗ trợ hành khách về giá nên hành khách đã đến các điểm cách ly.

Mời đọc thêm:

TPHCM: nhập cảnh trên 14 ngày phải cách ly 6 ngày, xét nghiệm 3 lần

Quá ế ẩm, nhiều khách sạn TPHCM muốn làm điểm cách ly y tế

Gian nan đi bán khách sạn... thời đại dịch



HCM   Hoa   TPHCM   Việt Nam   dịch vụ   kiến nghị