WB: "Kinh tế Việt Nam cần nhiều hương vị đặc sắc như bánh Trung thu"

29/09/2020 14:25  

Bà Victoria Kwakwa, nguyên Giám đốc WB tại Việt Nam - cho rằng, các thành phần của bánh Trung thu mang đặc sắc ẩm thực Việt và mong muốn kinh tế Việt Nam cũng nhiều thành tố, đặc sắc như thế.

Tại Diễn đàn thường niên về "Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020" diễn ra tại Hà Nội sáng nay (29/9), các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau đưa ra nhiều tư vấn, sáng kiến cho Việt Nam vượt qua đại dịch, tăng tốc phát triển.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), nguyên Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 tạo rủi ro nhưng cũng đưa ra cơ hội cho các nước.

"Covid-19 là một cú sốc đối với nền kinh tế, cú sốc đối với đời sống xã hội, mang lại tác động trên toàn thế giới. Đại dịch tạo ra cơn gió ngược cho các quốc gia đang phát triển, nhất là những nước phụ thuộc tăng trưởng vào thương mại, năng suất, bảo hộ thương mại...", bà Kwakwa nói.

Tuy nhiên, theo bà Kwakwa, thế giới chứng kiến hai cuộc khủng hoảng và đại suy thoái, nhưng cũng từ đó chứng kiến sự vươn lên của các siêu cường nhờ nắm bắt xu hướng mới của thế giới.

"Chúng ta không nên lãng phí cơ hội đưa đến trong cuộc khủng hoảng. Cách làm thông thường sẽ không đưa đất nước các bạn đến đích. Các quốc gia phải nhận diện cơ hội, tranh thủ cơ hội", bà Kwakwa nhấn mạnh.

Bà Kwakwa cho rằng, Việt Nam tham gia sâu rộng vào các thị trường song tham gia vào chuỗi liên kết vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Philippines. Nhiệm vụ trước mắt Việt Nam cần tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút sự dịch chuyển FDI từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần bảo hộ đầu tư, tăng liên kết FDI với khu vực trong nước để tạo một thực thể kinh tế thống nhất.

Đại dịch Covid-19 tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, để lại vết sẹo lâu dài thông qua nhiều kênh. Ở Việt Nam, công thức làm bánh trung thu với nhiều gia vị làm nên thành công trong ẩm thực và tạo đặc sắc.

Bà Kwakwa cho rằng, kinh tế Việt Nam muốn đặc sắc, tận dụng nhiều nguồn lực cần cải cách và phát huy cả ba thành tố: Khu vực tư nhân năng động, sôi động, gắn kết tốt với khu vực FDI; Thể chế cởi mở, giáo dục thật mạnh... Nếu thực hiện được điều này sẽ giúp từng người dân Việt Nam như được chia phần của chiếc bánh Trung Thu. Từ đây mới có thể giúp người dân Việt Nam có thu nhập trung bình cao trong 5 năm tới, tiến tới nước thu nhập cao vào năm 2045.

TS. Jacques Morriet, chuyên gia trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam cần làm nhanh để thắng trong cuộc chiến chống đại dịch, đừng nhầm lẫn Covid-19 là một cơ hội thể hiện.

"Điểm mạnh của Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại hàng hóa, độ mở cao gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần Trung Quốc. Trước Covid-19 Việt Nam đã là một điểm đến FDI có sức thu hút trong ASEAN. Dòng vốn FDI vào Việt Nam (nhiều hơn Malaysia và Thái Lan 2% GDP).... Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là mức độ nội địa hóa thấp và có xu hướng giảm dần theo thời gian, thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc", ông Jacques Morriet cho biết.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế trọng ngoại thương của Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ... chiếm 60% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh xung đột thương mại diễn biến rộng khắp, có cơ hội hợp tác với nhiều quốc gia, Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro.

Theo TS. Jacques Morriet có một số người cho rằng, Việt Nam cần kỹ năng tốt hơn, hạ tầng tốt hơn nhưng tôi cho rằng, Việt Nam cần tập trung đầu tư tăng trưởng xanh để có một tương lai bền vững hơn, đáng mơ ước hơn.

Tại Diễn đàn, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Các báo cáo, rồi các chuyên gia thường nói rất tuyệt vời về cơ hội này, hướng mới kia cho Việt Nam. Điều đó là đúng. Tuy nhiên, cơ hội đến trong hoàn cảnh khó khăn, tình thế không lường được.

Theo ông Thiên, ngay cả trong điều kiện bình thường Việt Nam cũng khó tận dụng được cơ hội, minh chứng là đã bỏ qua nhiều cơ hội dễ dàng chứ chưa nói đến dịch bệnh. Liệu trong nguy có cơ, có nắm bắt được hay không? Cần làm thế nào để giải quyết và nắm bắt được cơ hội? Điều đó chủ yếu là phụ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo.

Nguyễn Tuyền



Covid   Covid-19   Hoa   Hà Nội   Kinh tế   Ngân hàng   Nhật Bản   Thủ tướng   Trung thu   Việt Nam   chuyên gia   giá trị   giáo dục   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   lãnh đạo   phát triển   thành công   tập trung   đầu tư