28/09/2020 1:26  

Chỉ cần một cái click chuột, bạn có thể mua được cả thế giới. Kinh doanh trực tuyến đang trở thành xu thế tất yếu, thiết thực, giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.

Cơ hội mới

Thứ tư tuần này (ngày 9/9), Lê Duy Toàn, người sáng lập, CEO Duy Anh Foods (Củ Chi, TP.HCM) thông báo hai sản phẩm bánh tráng thanh long và bún dưa hấu của Duy Anh Foods nằm top 1 sản phẩm mới bán chạy nhất trên Amazon. Trước đó, hai sản phẩm này vừa mới xuất hiện trên Amazon hồi đầu tháng 7/2020 đã lọt vào top 5. Trước khi lên Amazon, Duy Anh Foods từng xuất các sản phẩm của mình qua đường bưu điện, nhưng gặp một chút rắc rối khi hải quan Hoa Kỳ mở hàng kiểm tra và đóng gói trở lại, hàng thường bị bể hay gãy nát. Vậy là ý tưởng lên Amazon hình thành. Tháng 3 năm nay, vị CEO mới chỉ 30 tuổi của Duy Anh Foods nói đã tìm được đối tác mình cần. Và do có sẵn giấy phép của Cục Dược phẩm và thực phẩm (FDA), việc đưa hai sản phẩm mới toanh nhãn hiệu Mr Rice lên sàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon được xúc tiến nhanh chóng và nay, họ đang gặt hái thành công.

Cũng cách nay 2 ngày, một nhóm doanh nghiệp Việt gồm nước mắm Khải Hoàn, nước mắm 584, nước mắm Bảy Hồng Hạnh, Vifon, Vinamit, Đinh Gia foods, bột rau má Thiên Nhiên Việt, Phương Nam foods đã có buổi kết nối bán hàng B2B trực tuyến với đối tác Ausviet Food và Tae Han food - hai chuỗi siêu thị có tiếng ở thị trường Úc. Thường, doanh nghiệp Việt phải tốn khá nhiều tiền đi dự hội chợ, triển lãm hoặc sang gặp trực tiếp nhà nhập khẩu để chào hàng, nhưng nay, dịch Covid-19 không cho họ làm điều đó. Vậy là B2B trực tuyến được áp dụng rộng rãi. Vừa tiện lợi, tiết kiệm tối đa chi phí mà hiệu quả vẫn cao. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh. Cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng thích ứng nhanh nhạy mô hình này không kém các nước. ThS. Nguyễn Thanh Phi Vân - Trưởng Bộ môn Thương mại Điện tử Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng đây là thời điểm doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu thay đổi mua sắm của người dùng. Theo ông, nếu doanh nghiệm có quy mô nhỏ và chỉ chú trọng đến việc bán hàng, có thể ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… Thông qua mạng xã hội, hàng hoá của DN không chỉ phát triển ở thị trường nội địa và còn có thể bán xuyên biên giới.

Còn doanh nghiệp muốn đi đường dài, phải đầu tư website, công nghệ, trang thiết bị và cả nhân lực phục vụ cho kênh này. Muốn vậy, họ phải nghiên cứu kỹ trước khi quyết định đầu tư. Trong đó, hai vấn đề cần quan tâm là phải chọn những sản phẩm phải có thương hiệu và dung lượng thị trường đủ lớn để đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải có chiến lược tiếp cận các công cụ thương mại điện tử hiệu quả.

Kênh kinh doanh mới này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực và hạ tầng công nghệ thông tin cũng như có được nguồn nhân lực giỏi, am hiểu về kinh doanh trực tuyến. Việc chuyển đổi kinh doanh từ mô hình trực tiếp kiểu truyền thống lên trực tuyến đòi hỏi các công ty phải thay đổi linh hoạt tư duy kinh doanh vốn có. Lúng túng trong khâu chuyển đổi, thiếu kỹ năng bán hàng trực tuyến, hạn chế kiến thức công nghệ, thiếu vốn đầu tư... là những bài toán mà doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần khắc phục trong bước đầu số hóa.

Thứ gì cũng có thể "leo" lên mạng

Theo báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt trên 32%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Còn theo báo cáo thương mại điện tử của các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 29% (trong giai đoạn 2015 - 2025) ó quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2020, và đứng vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng mới giúp nâng sức cạnh tranh nhiều hơn cho doanh nghiệp nội địa. Năm 2020 đang đánh dấu một bước ngoặt mới trong phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức cho thị trường thương mại điện tử nhưng cũng đồng thời tạo nhiều cơ hội cho DN khi làm thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng. Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường đều cho thấy, người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Các nhóm hàng hóa được tiêu thụ mạnh tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội không chỉ dừng lại ở các nhóm mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu mà còn là những sản phẩm giá trị khác từ các nền tảng trực tuyến. 

Chia sẻ tại cuộc họp mặt thường kỳ CLB Doanh nhân Đại học Nguyễn Tất Thành chiều ngày 9/9/2020, ThS. Võ Hồng Lĩnh - Founder Control Connect Co. Ltd cho rằng, Covid-19 gây rất nhiều khó khăn cho DN, làm đứt gãy các chuỗi từ khâu nguyên vật liệu, đầu ra và tài chính. Chỉ những doanh nghiệp nhanh nhạy trong việc vận dụng công nghệ mới có thể duy trì và phát triển công ty bền vững. Thói quen của người tiêu dùng thay đổi đã góp phần mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển kinh doanh. Đây sẽ là cơ hội lớn để đầu tư, phát triển các gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh việc tối ưu trải nghiệm mua sắm của người dùng, đo lường đánh giá và trải nghiệm là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thiết kế kênh thương mại điện tử thành công.



Hoa   thành công   Covid   Kinh doanh   hành vi