29/09/2020 13:39  

"Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động” đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu thẳng những vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam.

Ông Dũng cho rằng, thế giới mà chúng ta sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp.

Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.

Bên cạnh có thành tựu đạt được của kinh tế Việt Nam hơn 33 năm đổi mới như trở thành nước có thu nhập trung bình; nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%; quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, địa điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế...

Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh.

"Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hơn lúc nào hết, Chính phủ, người dân Việt Nam mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói: Việt Nam rất mong nhận được sự chia sẻ, giải đáp, trao đổi của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thay đổi căn bản các tư duy về phát triển, cùng Việt Nam hướng đến một Việt Nam phồn vinh.

Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ hai năm 2019 (VRDF 2019) đang diễn ra tại Hà Nội có sự tham gia của đông đảo chuyên gia kinh tế, trí thức người Việt và chuyên gia quốc tế để bàn về các chủ đề về kinh tế thị trường và hội nhập của Việt Nam, đổi mới và sáng tạo và một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng.

Nguyễn Tuyền



doanh nghiệp   Chính phủ   Hà Nội   USD   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   doanh nghiệp   phát triển   sáng tạo   thành công   Đầu tư   Đầu tư   đầu tư