25/09/2020 11:09  

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Theo đó, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng vùng kinh tế trọng điểm cũng đã được quy định rõ.

Việt Nam hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) gồm: Vùng KTTĐ Bắc Bộ, Vùng KTTĐ miền Trung, Vùng KTTĐ phía Nam, Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm qua, các vùng KTTĐ đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng KTTĐ đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế. Các vùng kinh tế trọng điểm là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%.

Mặc dù vậy, các vùng KTTĐ chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển, đồng thời đang đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm; nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định…

Để khắc phục những hạn chế trên, phục hồi nhanh và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương trong các vùng KTTĐ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước.

Liên quan đến giải pháp về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trong các vùng KTTĐ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ cần xác định rõ chiến lược phát triển của các vùng KTTĐ phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, có giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết phát triển các ngành, lĩnh vực để từng địa phương, từng vùng KTTĐ không chỉ là đầu tàu phát triển kinh tế, nơi tập trung văn phòng, nhà xưởng của các tập đoàn, công ty mà còn thực sự là nơi đáng sống, đáng làm việc của giới trẻ, giới tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Các vùng KTTĐ cần tập trung thu hút đầu tư các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và hiệu quả sử dụng đất cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. 

Các bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ cần xác định một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể:

- Vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung vào xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao; ngân hàng, tài chính; y tế chuyên sâu; công nghiệp phụ trợ.

- Vùng KTTĐ miền Trung tập trung vào du lịch biển, du lịch sinh thái; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp hóa dầu, công nghiệp quốc phòng; dịch vụ cảng biển.

- Vùng KTTĐ phía Nam tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản.

- Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.

 

Theo DNSG 

 



Kinh tế   Kinh tế trọng điểm   Đầu tư