30/09/2020 12:28  

Sinh ra trong gia đình khó khăn, ba mất vì ung thư, mẹ mang nhiều bệnh nặng, Tuấn chỉ nghĩ sẽ học một cái nghề nào đó để thật nhanh đi làm và kiếm tiền. Sau Tuấn còn em gái đang học lớp 6, mọi gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên đôi vai của cậu học trò vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Ai mà không mong con được học đại học”

Căn nhà thấp trũng của 3 mẹ con Tuấn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, cứ mưa lớn là ngập và dột khắp nhà. Mẹ Tuấn - chị Nguyễn Kim Phượng cho biết tối qua mưa nước ngập đến đầu gối, mới sáng phải dọn dẹp, lau chùi, chiều mưa đến lại ngập tiếp.
Nhìn thấy mấy bì thuốc nam đang đặt trong nhà, người viết hỏi thì chị Phượng bảo do nhiều bệnh trong người mà uống thuốc tây mãi không thuyên giảm, nên sáng nay được người quen dẫn đi Đồng Nai bốc thuốc nam về uống. “Giờ chỉ mong thuyên giảm được phần nào để còn đi làm phụ con trai gầy yếu đang gánh vác cả gia đình, thương lắm”, chị Phượng nghèn nghẹn nói.
Ba Tuấn trước đây đi làm phụ hồ, nhưng do làm việc quá nặng, đến khi phát bệnh ung thư đại tràng lại không có tiền để chạy chữa, dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng rồi chuyển sang di căn qua xương và thận. Cuối cùng ba Tuấn không qua khỏi, bỏ lại một mình mẹ Tuấn gồng gánh nuôi gia đình.
“Khi ba Tuấn mất thì cuộc sống gia đình đã khó lại càng khó, tôi đi làm tạp vụ cho các tòa nhà, nhưng rồi lại đau hết bệnh này đến bệnh kia. Cao huyết áp vô căn, gan nhiễm mỡ, men gan cao rồi thiếu máu cục bộ… nên đâu thể đi làm được nữa. Từ ngày nghỉ ở nhà đến nay, gia đình thiếu trước hụt sau, Tuấn thi lớp 12 xong là phải lao đầu đi kiếm việc làm lo cho gia đình”, chị Phượng đau lòng khi nhìn con trai phải dừng việc học để đi làm lo cho cả nhà.
Chị Phượng cho biết trước đây có lần Tuấn đã nói với mẹ rằng thích học sư phạm, nhưng đến khi thi tốt nghiệp THPT xong, thấy mẹ bệnh nặng quá nên Tuấn không dám ước mơ hay nghĩ ngợi gì đến chuyện học tiếp.
“Ai mà không muốn con mình được học đại học, nhưng đâu có tiền để đi học tiếp, vì thế Tuấn đâu dám mơ ước gì nữa. Gia đình tài sản có mỗi chiếc xe máy cũ, mà không có tiền chữa bệnh nên cũng bán luôn”, chị Phượng trải lòng.

Chưa bao giờ dám nghĩ đến việc học đại học

Từ ngày thi xong tốt nghiệp THPT đến nay, trong khi bạn bè chộn rộn với việc xét tuyển, nhập học thì Tuấn lại tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya đi làm lo bữa ăn hằng ngày cho gia đình.
Ghé đến nhà Tuấn vào đầu giờ chiều, gương mặt thiếu ngủ và uể oải sau thời gian lao động quá vất vả, Tuấn kể: “Vì không tìm được công việc nào tốt hơn nên em làm công việc đi giao bánh mì. Thời gian dài quá, 5 giờ sáng làm đến 1 giờ chiều em mới được về nghỉ, rồi 5 giờ chiều lại bắt đầu làm tiếp đến gần 12 giờ đêm, nên em ngủ không đủ giấc”.
Tuấn chia sẻ thêm: “12 năm học với em thực sự rất khó khăn, nhưng khó khăn ở đây không phải là trong việc học mà là về vấn đề kinh tế để đi học. May mà bên phường và quận cũng quan tâm hỗ trợ học bổng khuyến học cho em, một năm cũng được 2 triệu đồng. Nhưng vì mẹ đau bệnh nên cứ thiếu trước hụt sau, có những lần em đã phải nghĩ đến chuyện nghỉ học vì gia đình không có điều kiện để đóng học phí”.
Đi làm quần quật từ sáng sớm đến tận đêm khuya, nhưng Tuấn cho rằng chưa bao giờ thấy tủi thân khi nhìn bạn bè chọn trường này, trường kia để nhập học. Lúc nào Tuấn cũng nghĩ: “Bạn bè đi học vì gia đình các bạn có khả năng để học tiếp, còn em không có khả năng thì phải dừng lại thôi ạ”.
Khi người viết đặt vấn đề: “Nếu gia đình có đủ điều kiện thì Tuấn có chọn học đại học hay không?”, cậu học trò ấy vẫn bảo là không. “Từ đó đến giờ, học 12 năm em chưa bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ học đại học. Em muốn học cái nghề để nhanh kiếm tiền, nhanh lo được cho gia đình”, Tuấn nói.
Nghe Tuấn nói xong, tự dưng khóe mắt lại cay cay. Bởi ai cũng sẽ tin một điều, không ai lại không muốn mình được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, cái nghèo đã ăn sâu vào tiềm thức của cậu học trò hiếu học, để rồi đến cả một điều tưởng chừng hiển nhiên và ai cũng đều có được, đó là giấc mơ, nhưng Tuấn cũng không dám mơ ước.



học bổng   cuộc sống   học bổng   Đồng Nai