30/09/2020 8:30  

Tối 6.9, trước khi siêu bão Haishen đổ bộ, vì lo ngại nhà ở của 2 thực tập sinh người Việt không an toàn, ông Aioi, Giám đốc Công ty CP Aioigumi (tỉnh Miyazaki, Nhật Bản), đã gọi cả hai đến nhà của mình (cũng là văn phòng công ty). Không may, trong lúc vợ ông đang chuẩn bị cơm tối thì cả căn nhà bị cuốn xuống sông do sạt lở đất.
Ông Aioi nhìn xung quanh gọi tên vợ, con trai duy nhất và 2 thực tập sinh người Việt trong vô vọng. Sau 12 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Hữu Toán (22 tuổi, quê Nghệ An), còn anh Trần Công Long (23 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng vợ và con trai của ông vẫn chưa tìm được.
Mới đây, sư cô Thích Tâm Trí (Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản - người hỗ trợ tang lễ của anh Toán) đăng tải lên mạng xã hội về tang lễ xúc động của anh Toán tại Miyazaki. Điều khiến sư cô ấn tượng nhất là trong suốt buổi chờ lấy cốt mang về chùa, ông giám đốc người Nhật vẫn ở đó đợi cùng mọi người.
“Ông nhắc nhiều kỷ niệm đẹp với 2 bạn Việt Nam, bởi lẽ 2 bạn đó quá hiền, quá dễ thương và được nhiều người mến yêu. Ông coi 2 bạn như con ruột của mình, nên ông đã khóc thật nhiều”, sư cô chia sẻ. Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản), cũng cho biết rất xúc động khi dự tang lễ của anh Toán.
Trong tang lễ, Phó thống đốc tỉnh Miyazaki bày tỏ tiếc thương về sự ra đi của thực tập sinh Việt. Ông cho biết cả 2 được người dân địa phương đánh giá là dễ mến, dễ gần, chăm chỉ, ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu với sự khiêm nhường. Ông Phó thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người còn lại cho đến khi có kết luận cuối cùng.

Dang dở những ước mơ

Ông Bình kể: “Những người Việt có mặt tại tang lễ đều xúc động trước hình ảnh ông Giám đốc Aioi Hideki ngoài 70 tuổi và những người còn lại của gia đình ông đã nén nỗi đau của riêng mình để cùng lo cho tang lễ của Toán được chu đáo. Ông giám đốc đã ở lại cùng dự các nghi lễ của đám tang từ đầu đến khi kết thúc kéo dài khoảng 5 tiếng đồng”.
Ông Nguyễn Đình Kế (44 tuổi, cha của anh Toán) cho biết sau khi hỏa táng, tro cốt của con trai ông đã được sư cô Thích Tâm Trí mang về chùa Đại Ân (Tokyo) và sẽ được đưa về Việt Nam trong chuyến bay ngày 30.9.
Vợ chồng ông Kế đều làm nông. Con vừa học nghề xong nói muốn đi xuất khẩu lao động để phụ giúp gia đình và có vốn sau này lập nghiệp nên ông vay mượn nội ngoại để đóng tiền cho con đi. “Cả nhà nghe như sét đánh ngang tai khi có tin báo con mất tích trong bão. Tiễn con đi lành lặn, ai nghĩ sắp ra sân bay đón con về chỉ còn là hũ cốt”, ông Kế nghẹn lời.
Chị Trần Thị Sen (28 tuổi, chị gái anh Long) thì tâm sự gia đình vẫn đang hy vọng Long sẽ trở về. Chị Sen nói em trai sang Nhật cùng ngày với Toán và cả hai ở cùng nhà, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.
Trước khi đi Nhật, thực tập sinh Việt Nam Trần Công Long vay mượn khắp nơi để xây nhà cho mẹ. Chuyến đi Nhật này, Long dự định sẽ dành dụm đủ tiền trả nợ và chăm lo cho mẹ sau này. “Long là con trai út, ngoan hiền, hiểu chuyện và cũng là chỗ dựa sau này của mẹ, gia đình tôi vẫn hy vọng dù là mong manh nhất”, chị Sen bày tỏ.



Nhật Bản   Việt Nam   cuộc sống   sân bay