02/10/2020 15:05  

Người dân gặp khó khăn khó tiếp cận được gói an sinh xã hội do thủ tục hành chính hỗ trợ phức tạp. Ảnh: THÀNH HOA

Số người chết vì đói có thể còn cao hơn chết vì dịch

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay qua gần một năm đã lan ra hầu hết các nước trên toàn cầu, bao gồm các nước có nền kinh tế phát triển hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, gây tổn thất nặng về tính mạng, sức khỏe con người, làm suy thoái kinh tế thế giới.

Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cả về kinh tế và xã hội kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930 thế kỷ trước. Các nước có nền kinh tế hùng mạnh đều dự báo kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, tức tăng trưởng âm. So với kinh tế thì xã hội còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều, thất nghiệp và nghèo đói tăng vọt. 

Theo hãng tin Bloomberg, thế giới sắp phải chịu một nạn đói kém chưa từng có do đại dịch. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực quốc tế (WFP)... cho thấy gần 690 triệu người trên toàn cầu, phần lớn là tại châu Á, đang lâm vào cảnh đói ăn, tương đương 8,9% tổng dân số và nhiều hơn 10 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến sẽ có thêm 132 triệu người nữa lâm vào cảnh đói ăn, nâng tổng số lên 822 triệu người.

Theo ước tính của Tổ chức Oxfam International, đến cuối năm 2020 số người chết vì đói mỗi ngày do ảnh hưởng của đại dịch có thể lên đến 12.000 người, nhiều hơn cả số người thiệt mạng vì dịch Covid-19 tại thời điểm đó.

Hãy bỏ xét duyệt và thay bằng hậu kiểm

Không cần xác nhận của chính quyền mà doanh nghiệp có thể tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hồ sơ vay gói 16.000 tỉ đồng. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm.

Nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 gây bất ổn xã hội, từ tháng 4-2020 Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, trong đó dành 16.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho người lao động. Cùng với đó là những chính sách khác nhằm trợ giúp doanh nghiệp để họ duy trì sản xuất kinh doanh, qua đó giữ lại việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các chính sách này lại rất khó đi vào cuộc sống.

Các gói giải cứu kinh tế - xã hội chậm đi vào cuộc sống là do các chính sách đã không được thiết kế theo thực tiễn của cuộc sống. Trong đó, điều đầu tiên nhất thiết phải tiến hành là điều tra xã hội học một cách khoa học và thực hiện đánh giá tác động kinh tế - xã hội, để từ đó thiết kế được chính sách cũng như cách thức thực hiện sát với thực tế của đại đa số đối tượng mà chính sách muốn hướng đến. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách không đủ nguồn lực tiến hành các việc trên, có thể đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu để chọn tổ chức có nghề thực hiện một cách độc lập.

Việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan cũng cần cụ thể và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng. Những chính sách liên quan đến doanh nghiệp cần thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của dân cần lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc...

Nay, gói 16.000 tỉ đồng, cho vay với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động bị tác động của đại dịch, đã bộc lộ những tắc nghẽn trên con đường đưa chính sách vào cuộc sống và đã được các doanh nghiệp phản ánh. Các cơ quan chức năng cần tiếp thu, thiết kế lại, loại bỏ những điều kiện quá cao, không sát thực tiễn mà doanh nghiệp và người lao động e ngại, khó tiếp cận do không hội đủ điều kiện như: nới lỏng điều kiện doanh nghiệp phải trả 50% lương ngừng việc cho người lao động, doanh nghiệp đó không được có nợ xấu ở các ngân hàng, phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương...

Không cần xác nhận của chính quyền mà doanh nghiệp có thể tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hồ sơ vay gói 16.000 tỉ đồng. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm.

Đây là lúc tất cả phải vào cuộc

Không chỉ gói “con” 16.000 tỉ đồng mà phần còn lại trong gói “tổng” - gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng cũng đang gặp khó khăn, người thụ hưởng không dễ tiếp cận, do thủ tục hành chính nhận hỗ trợ phức tạp, người lao động tự do, lao động phi chính thức đi lại vài lần không nhận được, đành bỏ. Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa chủ động nhận phần khó trong việc xác định lao động tự do, lao động phi chính thức (khoảng 20 triệu người) vì địa chỉ cư trú và tạm trú thiếu ổn định và rõ ràng.

Trong thời gian tới phải khắc phục gấp các yếu kém trên, để làm sao người dân dễ tiếp cận, nhất là lao động tự do, lao động phi chính thức. Phải huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, nhất là chính quyền thôn, bản, phường và Mặt trận Tổ quốc, với tinh thần tổ chức thực hiện hỗ trợ người dân trong thời dịch bệnh như thời chiến, thần tốc, bảo vệ người lao động yếu thế, kịp thời, đúng đối tượng.

Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để vượt qua đại dịch; tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, quản trị để duy trì việc làm. Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp để giảm hoặc miễn cước Internet để phát triển nhanh hơn các dịch vụ trực tuyến; giảm chi phí logistics; hỗ trợ để doanh nghiệp có thể quyết định nhanh, mạnh để đưa các dự án kinh doanh, cơ hội kinh doanh nhanh đi vào thực thi.

Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng phải khắc phục càng sớm càng tốt tính riêng rẽ trong sản xuất, kinh doanh vốn đang rất phổ biến hiện nay; phải thấy hết sự cần thiết phải tăng cường hợp tác, liên kết với nhau vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như của quốc gia.

Các hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò hỗ trợ các tổ chức kinh tế Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ thực hiện hợp tác, liên kết kinh tế. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhất của giới doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nhanh chóng vượt qua những thách thức gay gắt về xã hội do đại dịch gây ra.



Covid   Covid-19   Việt Nam   cuộc sống   doanh nghiệp   logistics   sản xuất