27/09/2020 21:00  

Khác với không khí tấp nập người mua kẻ bán thường thấy, giờ đây những ngôi chợ chuyên bán đồ ngoại chỉ thưa thớt vài người khách lượn lờ hỏi giá rồi đi. Dân buôn rầu rĩ tính chuyện trả mặt bằng kiếm nghề khác sinh nhai.

Từ sáng đến xế chiều, sạp đồ tạp hóa của chị Kim Liên trong khu chợ hàng ngoại nổi tiếng Tôn Thất Đạm (quận 1, TP.HCM) chỉ bán được vài hộp bánh kẹo Mỹ. Đứa con trai vừa ngồi học bài vừa ăn hộp cơm chị mang theo, chốc chốc lại hỏi mẹ sao hôm nay bán ế.

“Nó mới vào cấp 2, học trường chuyên nên chi phí học hành cũng khá cao mà bán buôn ế ẩm quá nên tôi lo lắm, sợ không cho con theo học nổi. Cả ngày bán được nhiêu đó thì lời lãi được bao nhiêu đâu”, chị Liên chia sẻ.

Sạp chị Liên bán các loại bánh kẹo, mỹ phẩm, rượu khá đa dạng chủng loại, nguồn hàng chủ yếu lấy từ nước ngoài. Lúc trước bán khá nhiều, khách Tây đến tìm đến mua những mặt hàng họ sử dụng quen thuộc ở nước ngoài mà các chợ truyền thống hoặc siêu thị Việt Nam không có. Còn khách sỉ theo chia sẻ của chị Liên, họ đặt hàng đều đều, có ngày tiền hàng cả chục triệu. Nhưng từ sau đợt giãn cách xã hội hồi đầu dịch Covid-19, khách giảm hẳn.

Anh Steve, giáo viên dạy tiếng Anh sống tại quận 3 cho biết, anh thường ra chợ Tôn Thất Đạm để mua thực phẩm, nước uống đóng chai và thỉnh thoảng mua rượu để tiếp đãi bạn bè. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công việc dạy học của anh không còn như trước do trung tâm tiếng Anh đóng cửa vì dịch, thu nhập giảm nên anh đã chuyển sang dùng các mặt hàng bình dân bán trong siêu thị hoặc mua online, vừa rẻ vừa tiện.

Chợ Bến Thành còn ảm đạm hơn, đoạn vỉa hè có nhiều quán ăn ngon phía Cửa Đông trước đây khách Tây ghé nườm nượp, giờ im ắng. Cả đoạn đường đầy nắng nhưng khách thì không thấy đâu. Tiểu thương trong chợ thì ngồi không tán gẫu, nhiều sạp đóng cửa, vài chỗ treo biển sang sạp, cho thuê hoặc trả mặt bằng.

Chị Thanh, chủ một cửa hàng thời trang tại đây vén lại số quần áo đang bày trên xào hy vọng bắt mắt hơn để câu khách. Còn anh Tèo sạp kế bên ngồi trầm ngâm hút thuốc, chia sẻ: “Bán ế quá, chắc trả mặt bằng về quê nuôi tôm”.

Chị Hồng, tiểu thương gian hàng túi xách trong chợ Bến Thành cho biết thu nhập chính của gia đình là từ việc bán hàng của chị, chồng làm trong xưởng giày của Trung Quốc thì đã nghỉ việc mấy tháng nay do công ty vỡ nợ. Chị đã cho hai nhân viên nghỉ việc, chỉ còn vợ chồng bán buôn cầm cự qua ngày.

“Chồng kiếm việc mấy tháng trời chưa được, toàn bộ thu nhập gia đình trông cậy vào bán buôn mà tiền mặt bằng thì đắt, bây giờ bán buôn ế ẩm, lợi nhuận ngày càng giảm thế này thì tháng sau tôi sẽ trả sạp để mở quán ăn nhỏ tại nhà chắc sẽ tốt hơn”.

Dạo qua khu chợ Campuchia trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) với những gian hàng bán đặc sản xứ chùa tháp như khô cá lóc Biển Hồ, khô cá tra, mắm bò hóc...cũng đìu hiu. Cả khu chợ im ắng, mất đi không khí nhộn nhịp trước đây, cảnh kẹt xe khi vào chợ cũng không còn nữa.

Quán xá ở đây không lớn, chủ yếu bán nhỏ lẻ nhưng lúc nào cũng đông khách nhất là các buổi tối cuối tuần. Từ mùa dịch đến nay, người bán nhiều hơn người mua. Khách dạo qua mua vài miếng khô, móc ví trả 150.000 đồng cho 200gram rồi đi. Anh Sảm, chủ sạp khô chia sẻ: “Bán được vậy là mừng rồi, có ngày dọn hàng ra rồi lại dọn vào, không bán được thứ gì”.



khách Tây   Covid   Cuộc sống