29/09/2020 19:13  

Sau khi đạt đỉnh cao ở mốc gần 29.200 điểm vào những ngày đầu tháng 9, lấy lại được toàn bộ giá trị mất đi trong giai đoạn lao dốc diễn ra vào tháng 3 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chỉ số Dow Jones đã trải qua những phiên biến động khá lớn với sự hỗn loạn ngày càng gia tăng.

Đánh giá về đợt phục hồi trong suốt 5 tháng qua của các chỉ số chứng khoán, giới phân tích đưa khá nhiều lý do. Đầu tiên là chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ của các chính phủ, từ tài khóa cho đến tiền tệ. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã hạ lãi suất xuống gần 0 và vạch kế hoạch bơm hàng tỷ USD vào thị trường. Chính phủ Mỹ phát tiền trực tiếp cho dân chúng với hơn 150 triệu tờ séc kích thích kinh tế và cũng dành cho các doanh nghiệp nhỏ các khoản vay trị giá 500 tỷ USD.

Chính vì vậy, giới đầu tư càng kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, với niềm tin thời kỳ tồi tệ nhất đã qua đi, kinh tế Mỹ sẽ hồi phục ngay sau khi đại dịch được kiểm soát và do đó chứng khoán sẽ chạy trước là điều hợp lý. Trong khi đó, sự bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn được cho là hưởng lợi từ những thay đổi xã hội thúc đẩy bởi đại dịch, như chuyển từ ngoại tuyến sang trực tuyến, càng gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư. 

Thị trường càng được thúc đẩy bởi dòng tiền của các nhà đầu tư F0, những người lần đầu tham gia thị trường. Do bị mắc kẹt trong nhà vì dịch bệnh, những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ này đua nhau mở tài khoản mới và tham gia các ứng dụng đầu tư như Robinhood, cung cấp các dịch vụ miễn phí và cơ hội kiếm lời lớn. Nhóm này chủ yếu rót tiền vào các cổ phiếu mà họ cho là sẽ hưởng lợi từ đại dịch hoặc có khả năng định hình lại các ngành. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại được hầu hết số điểm đã đánh mất trước đây, như chỉ số Dow Jones đã lấy lại được mốc 29.000 điểm như trước đại dịch. 

Tuy nhiên, kể từ đỉnh cao đạt được vào đầu tháng này, thị trường trở nên hỗn loạn và trải qua nhiều phiên bán tháo. Như trong phiên ngày 3/9/2020, thị trường lao dốc gần 800 điểm từ trên 29.000 điểm. Hai phiên kế tiếp Dow Jones tiếp tục mất thêm gần 800 điểm nữa, trước khi phục hồi nhẹ trở lại.

Trong phiên cuối tuần qua, chỉ số Dow Jones rớt 244 điểm, tương đương 0,9%, xuống 27,657.42 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1,1% xuống 3,319 điểm còn Nasdaq Composite mất 1,1%, còn 10.793 điểm. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm tuần thứ ba liên tiếp trong tháng này, đánh dấu chuỗi tuần lao dốc dài nhất kể từ năm ngoái. Đáng lưu ý là hiện nay thị trường đang rơi vào giai đoạn có độ biến động cao nhất.

Dù mới đây FED cam kết sẽ giữ lãi suất thấp đến tận năm 2023, nhưng các nhà đầu tư đang dồn tâm điểm vào gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ Mỹ, vốn có nguy cơ sẽ không được thông qua. Gói kích thích kinh tế lần thứ 4 đang bị bác bỏ do mâu thuẫn giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ về cách cứu trợ. 

Nỗi lo ngại lớn dần khi càng đến gần ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Giới phân tích cho rằng nếu ông Biden thắng cử, nhiều khả năng luật thuế sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực cho chứng khoán Mỹ, khi Đảng Dân chủ có truyền thống đi theo xu hướng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, các mô hình dự báo mới nhất cho thấy cơ hội chiến thắng của Biden gần 82%, trong khi khả năng tái đắc cử của Trump gần 18%.

Bên cạnh đó, việc các cổ phiếu công nghệ bị đẩy giá quá cao vượt xa giá trị thực cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường. Trong các phiên lao dốc gần đây của chứng khoán Mỹ, sự tác động của nhóm cổ phiếu công lên tâm lý nhà đầu tư là không hề nhỏ. Như trường hợp của Tesla đang được cho là cổ phiếu nguy hiểm nhất của phố Wall, khi đã tăng gần 10 lần trong vòng một năm qua, trong khi các yếu tố cơ bản nền tảng gần như chưa tương xứng với mức giá hiện tại. Chỉ số Nasdaq đo lường giá trị của các cổ phiếu công nghệ, cũng đánh dấu mức điều chỉnh mạnh nhất từ đầu tháng đến nay, khi lao dốc hơn 10%.



doanh nghiệp   Chính phủ   Covid   Covid-19   Trump   USD   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ   giá trị   trực tuyến   đầu tư