– Tỉnh Hậu Giang vừa đưa vào vận hành các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Địa phương này nhấn mạnh, mục tiêu của việc chuyển đổi số là giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, trong khi doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Hậu Giang đã thu hút được 30 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 553 triệu đô la
Tại lễ công bố các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 2-10, ông Đoàn Quốc Thật, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, 2020 là năm đột phá để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của địa phương trong cải cách hành chính, xây chính quyền điện tử và đô thị thông minh. “Qua đó, làm cơ sở để thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”, ông Thật cho biết.
Theo ông Thật, mục tiêu của địa phương trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. “Qua đó, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tỉnh một cách nhanh và bền vững”, ông nói.
Ông Thật cho biết, sau 9 tháng xây dựng và triển khai, đến nay, hệ thống thông tin chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đi vào hoạt động thí điểm. “Bước đầu, hệ thống đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính” ông biết.
Đối với Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang, ông Thật nói rằng, đây là bộ não của chính quyền số, trung tâm có nhiệm vụ quản trị trung tâm dữ liệu tỉnh, giám sát điều hành an ninh trật tự, phản ánh hiện trường và điều hành phát triển kinh tế- xã hội.
Còn Trung tâm giám sát an toàn an ninh thông tin có nhiệm vụ giám sát, điều phối, xử lý sự cố an ninh mạng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan trên không gian mạng.
Trong khi đó, Cổng thông tin dịch vụ trực tuyến sẽ giúp người dân và doanh nghiệp nộp và theo dõi hồ sơ trực tuyến; các cơ quan có thể xử lý hồ sơ thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, theo ông Thật, tỉnh Hậu Giang còn triển khai ứng dụng di động và tổng đài cải cách hành chính. Đây là những kênh tương tác giữa người dân và chính quyền qua internet; giúp người dân phản ánh, giao tiếp với chính quyền qua số điện thoại và tài khoản Zalo về giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã diễn ra mạnh với tốc độ nhanh chóng, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, sản xuất và có tác động sâu, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của thế giới và đất nước.
Trong khi đó, theo ông Châu, Hậu Giang là địa phương có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, không có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cũng như điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác trong cả nước.
“Chính vì vậy, để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù”, ông Châu nhấn mạnh và cho rằng “chìa khóa” cho sự phát triển, đó là xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số. “Đây được xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 tới đây”, ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, ông Châu chỉ đạo phải tăng tốc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần chống dịch bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, ông yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện và bổ sung tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông phải phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai các ứng dụng đô thị thông minh phù hợp để phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Cần ưu tiên phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ, đặc biệt là khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chính sách, triển khai giải pháp thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư sản xuất và triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, logistic”, ông Châu chỉ đạo.
cuộc sống doanh nghiệp dịch vụ sản xuất tiết kiệm trực tuyến Đầu tư đầu tư