Tấp nập tìm nhà cung ứng
Thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng nhằm tránh rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng như đã từng xảy ra. Các nhà sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất CNHT. Đại diện Panasonic Việt Nam cho biết, trong tháng 10/2020, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy thứ 7 tại Việt Nam đồng thời có kế hoạch di dời nhà máy sản xuất thiết bị điện từ Thái Lan sang Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, linh kiện CNHT cần cho hoạt động nhà máy tại Việt Nam rất lớn.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM cho biết, các DN FDI sản xuất các sản phẩm đầu cuối đang đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung linh kiện tại chỗ trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chế tạo, thiết bị y tế kỹ thuật cao, phụ tùng ô tô... thay thế cho nguồn linh kiện nhập khẩu. Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (TTI) với dự án đầu tư 65 triệu USD vào Khu Công nghệ cao của TP.HCM cần tìm đến 200 nhà cung cấp cho các sản phẩm điện dân dụng.
Bà Trương Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, hiện nay dung lượng thị trường cho ngành CNHT rất lớn nhưng thiếu trầm trọng các nhà cung ứng trong nước. Chẳng hạn, cả nước có 20 DN lắp ráp, sản xuất ô tô nhưng mới chỉ có 84 DN cung ứng cấp 1 và 145 DN cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 DN lắp ráp nhưng có đến 690 DN cung ứng cấp 1 và 1.700 DN cung ứng cấp 2, 3. Cũng như thế, trong lĩnh vực điện - điện tử, cả nước mới chỉ có 1.000 DN cung ứng và cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm điện tử.
Khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết, từ nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa nhưng ít DN trong nước đáp ứng được. Cụ thể, nhà mua hàng nước ngoài yêu cầu DN cung ứng phải có quy trình sản xuất, sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu, có giá cả cạnh tranh và phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, hệ thống quản trị, không gian lao động... Trong khi đó, đa phần DN trong nước có quy mô nhỏ, đặc biệt là nhà xưởng sản xuất chưa đảm bảo được yêu cầu của đối tác nên khó để có những đối tác lớn.
Trên thực tế, quy mô DN CNHT của Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, máy móc ít, trình độ quản lý chỉ dừng ở mức tương ứng... nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Các sản phẩm CNHT trong nước được sản xuất đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp. Chính vì nhỏ nên các DN ngành CNHT Việt Nam chưa tạo động lực để DN FDI kết nối chuỗi liên kết toàn cầu để tăng giá giá trị.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hiện chỉ có khoảng hơn 20 DN Việt Nam làm được linh kiện điện, điện tử có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn khu vực chế tạo (linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa) thì chỉ có gần 300 DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn này.
Để tạo điều kiện cho ngành CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN cũng như các giải pháp thúc đẩy phát triển công ngành CNHT. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Cả nước sẽ có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Bà Bình cho rằng, DN Việt Nam còn non trẻ, là những người đi sau trong cuộc chơi toàn cầu. Vì thế, "DN Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên chỉ ở khu vực cơ khí nhỏ, thiết bị điện, thiết bị cầm tay. Còn lĩnh vực lớn như ô tô, điện tử, linh kiện rời là rất khó".
Theo ông Tống, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN phải đủ mạnh. Muốn vậy, phải đầu tư. Nhưng đầu tư trong ngành này rất thâm dụng vốn và để có nhà máy tử tế phải đầu tư cả trăm tỷ đồng và khấu hao rất lâu nhưng doanh số không cao. Ngoài ra còn đòi hỏi nguồn lực, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước thì các DN sẽ ngần ngại đầu tư mà như vậy, rất khó để ngành CNHT phát triển như mong muốn. Và khi ngành CNHT chưa phát triển thì chuyện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn xa.
Chính phủ Covid Covid-19 HCM Hiệp hội Ngân hàng Panasonic chính sách giá trị phát triển sản xuất đầu tư