30/09/2020 0:16  

Hoạt động đào tạo nghề tại Bình Định được xác định theo hướng đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu người học và thực tế từng địa phương, góp phần tạo cơ hội việc làm sau khi học xong.

Đa dạng các lớp nghề đào tạo

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, từ đầu năm đến nay, Trung tâm này đã tổ chức 36 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp, dưới sơ cấp cho người lao động, gồm: 19 lớp cho lao động nông thôn, 14 lớp cho người lao động tại doanh nghiệp, 3 lớp xã hội hóa. Tổng số học viên được đào tạo là hơn 1.000 người.

Tham gia lớp học trồng nấm ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định), ông Phan Ngọc Anh (59 tuổi, người cùng địa phương), cho biết: “Tôi đăng ký lớp ký học trồng nấm vì công việc này phù hợp với tôi, có thể làm quanh năm, vừa để cung cấp cho gia đình, vừa có thể bỏ mối ở chợ. Nhờ thầy hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, được thực hành, đến nay, tôi đã nắm được một số kiến thức cơ bản và cố gắng học tập các bước tiếp theo”.

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, bên cạnh các nghề quen thuộc như: May công nghiệp, đan nhựa giả mây, kỹ thuật chế biến món ăn (nhóm nghề phi nông nghiệp), tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng và nhân giống nấm (nhóm nghề nông nghiệp).

Trung tâm còn phối hợp các địa phương mở các lớp mới dựa trên nhu cầu người học và định hướng chuyển đổi sản xuất của địa phương.

Năm 2020, Trung tâm đã mở lớp nghề mới dành cho người lao động ở 2 xã Phước Lộc và Phước Sơn (huyện Tuy Phước): Lớp trồng hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định nói: “Trên cơ sở trao đổi với địa phương về nhu cầu các lớp nghề mới, Trung tâm tiến hành biên soạn, đăng ký đào tạo đối với nghề mới. Lớp trồng hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền có nhu cầu người học lớn nhưng vì đăng ký quy mô đào tạo năm 2020 là 70 học viên nên chỉ mở được 2 lớp. Vì đội ngũ giáo viên của Trung tâm mỏng, Trung tâm mời các giáo viên là cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp tỉnh, huyện đứng lớp, đảm bảo chất lượng đào tạo và tay nghề cho người lao động”.

Hiệu quả bước đầu

Năm 2019, 2 lớp nghề kỹ thuật tạo dáng và chăm sóc cây cảnh xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) đã thu hút nhiều học viên có niềm đam mê cây cảnh, chọn cây cảnh để làm nghề để gắn bó lâu dài.

Sau một năm đi vào hoạt động, Chi hội cây cảnh xã Phước Quang đã tập hợp được 30 hội viên. Do thời gian thành lập còn ngắn nên hiệu quả từ mô hình chưa thể đánh giá. Song, đây là nơi để các học viên chia sẻ nhiều kinh nghiệm hơn trong thực hiện tạo dáng cây cảnh, chăm sóc cây hoa.

Anh Huỳnh Quốc Phong (44 tuổi, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), Chi hội trưởng Chi hội cây cảnh xã Phước Quang, cho rằng: “Kết thúc khóa học, các thành viên trong hội, đặc biệt là những người đã gắn bó với việc trồng cây và chơi cây nhiều năm, được cập nhật thêm các kỹ thuật ghép mới, hiệu quả hơn, học thêm các dáng, thế, cũng như biết thêm về phân thuốc đặc trị cho từng loại bệnh...”.

Theo anh Phong, hiện tại, các thành viên của Chi hội sưu tầm, nuôi dưỡng cây, thường xuyên giao lưu để hỗ trợ nhau trong tạo dáng, chăm sóc cây. Các thành viên đặc biệt kết nối với nhau, kết nối với bạn bè ở nhiều nơi khác để chia sẻ thông tin mua bán cây, nhu cầu tìm cây của khách hàng.

Các chi hội cây cảnh, chi hội trồng mai ở một số xã: Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn), Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thành lập từ năm 2017, 2018 (do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân Bình Định (một trong 3 trung tâm hợp nhất thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định) đào tạo và phối hợp hình thành) đã phát huy hiệu quả.

Theo khảo sát của Trung tâm, nghề cây cảnh, đặc biệt là cây mai đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân của một hộ trồng mai sau dịp Tết Nguyên đán hàng năm khoảng 150 triệu đồng.

Doãn Công



doanh nghiệp   Giáo dục   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan