28/09/2020 8:10  

Đà Nẵng phần nào đã trở lại trạng thái bình thường sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai, nhưng sức “tàn phá” của dịch bệnh đã khiến ngành du lịch cần phải được “giải cứu”.

Còn gì sau đợt dịch?

Từ 0 giờ ngày 11/9/2020, người dân Đà Nẵng rất vui mừng khi trạng thái bình thường gần như đã trở lại. Sự chờ đợi sau hơn 50 ngày căng mình chống dịch Covid-19 của người dân và chính quyền Đà Nẵng đã có những kết quả đáng khích lệ. Thế nhưng, với ngành du lịch của thành phố thì còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục kinh doanh.

Chưa lúc nào nỗi lo về công việc kinh doanh lại đe dọa các doanh nghiệp (DN) du lịch ở Đà Nẵng như hiện nay. Sau mấy ngày các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa hoạt động trở lại, ngoài các quán cà phê, quán nhậu, quán ăn thì rất nhiều dịch vụ lưu trú vẫn đang chờ đợi khách hàng.

Đà Nẵng là một thành phố du lịch, ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua đã khiến khách du lịch không thể đến được. Rất nhiều DN du lịch, gồm cả lữ hành, lưu trú, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí đều than thở rằng năm 2020 là một năm thất bát. Đà Nẵng phụ thuộc vào du lịch biển và một phần du lịch nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng cùng các dịch vụ vui chơi. Nhưng hai đợt Covid -19 đã quét sạch thành quả của ngành du lịch Đà Nẵng trong 9 tháng qua. 

Với một thành phố du lịch biển, mùa du lịch chủ yếu vào những tháng Hè. Thời điểm này đã hết Hè, chỉ chừng một tháng nữa sẽ vào mùa mưa, như mọi năm, du lịch Đà Nẵng “hết mùa”.

Rất nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển Đà Nẵng tại thời điểm này vẫn "bất động" dù đã được phép mở cửa kinh doanh, bởi “cú đánh” của dịch bệnh đã khiến nhiều người không trụ nổi, buộc phải treo biển sang nhượng. Nhiều tuyến đường đã có những cơ sở kinh doanh treo biển sang nhượng hoặc thanh lý hàng hóa. Trên các trang mạng về bất động sản, hàng loạt khách sạn hạng sang, khách sạn ven biển Đà Nẵng rầm rộ rao bán với mức giá từ vài chục đến hơn trăm tỷ đồng. Không chỉ khách sạn, các nhà hàng hải sản chuyên phục vụ khách du lịch cũng không thoát khỏi cơn khủng hoảng. 

Theo ước tính, doanh thu của ngành du lịch Đà Nẵng năm 2020 chỉ đạt khoảng 25% so với năm 2019, trong đó gần 100% DN trong ngành đều không thể đạt kế hoạch kinh doanh. Nợ xấu, thuế tồn đọng đang là tình trạng chung của tất cả DN du lịch ở Đà Nẵng.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chưa lúc nào nguy cơ đổ bể kinh doanh, mất trắng cơ hội làm ăn lại đe dọa trực tiếp các DN du lịch như hiện nay, khi mọi điều kiện kết nối trong ngoài, mọi tích lũy, mọi khả năng huy động của họ đều bị “gạch sổ”. Chính quyền cần phải nhanh chóng đưa ra những phương án phù hợp để vực dậy ngành du lịch, nếu không sẽ không gượng dậy được.

Chờ một cuộc hồi sinh

Ngành du lịch Đà Nẵng đang tìm cách tái hoạt động lần thứ ba trong năm 2020 một cách dè dặt. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, hoạt động du lịch trở lại với điều kiện phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Trước tác động của Covid-19, ngành du lịch thành phố đã xây dựng các giải pháp kích cầu du lịch, truyền thông và định hướng thị trường phù hợp với tình hình mới để thu hút du khách. Ngành du lịch đã đưa ra kịch bản du lịch ngắn hạn theo phương châm “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”. Cũng theo kịch bản này, Đà Nẵng phải nỗ lực thể hiện là điểm đến an toàn, để có thể sau ngày 15/10/2020, kết nối lại du lịch nội địa. Phần du lịch quốc tế, Đà Nẵng phải chờ tình hình chung, may mắn lắm đến mùa Giáng sinh 2020 mới chào mời du khách các nước. Muốn vậy, vấn đề an toàn điểm đến phải là mục tiêu hàng đầu”.

Trong định hướng tái khôi phục các thị trường khách từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên thị trường khách nội địa. Giải pháp trước mắt là chú trọng thu hút nguồn khách từ các địa phương lân cận, thuận tiện di chuyển thuộc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và khách đi theo nhóm, gia đình, du lịch ngắn ngày, sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân, sau đó là các địa phương xa hơn.

Các DN du lịch cũng cần phối hợp để có các chính sách ưu đãi về giá đối với khách nội địa, chú trọng liên kết vùng để trao đổi khách.

Dù đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ngành du lịch Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị sẵn nguồn lực về tài chính để có thể quảng bá kịp thời hình ảnh điểm đến Đà Nẵng hấp dẫn. Nếu không có chiến lược quảng bá, tạo ra những hình ảnh, sản phẩm du lịch mới mẻ cho điểm đến thì rất dễ để vuột mất cơ hội quan trọng sau dịch bệnh, đánh mất những thị trường vốn đã mang lại thành công cho Đà Nẵng.

Hiện tại, ngành hàng không đã bỏ quy định giãn cách, tăng chuyến bay đến Đà Nẵng. Đường bộ, đường sắt cũng đã khôi phục hoàn toàn các tuyến tới Đà Nẵng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để du lịch Đà Nẵng hồi sinh sau dịch bệnh. 



bất động sản   thành công   Covid   doanh nghiệp   đường sắt