29/09/2020 9:37  

Thanh niên là rường cột của nước nhà

Phát biểu khai mạc, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết năm 2019 và 2020, Bộ Nội vụ phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ban, ngành có liên quan xây dựng Dự án sửa đổi luật Thanh niên năm 2005 để Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua luật Thanh niên 2020 thay thế luật Thanh niên năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Thanh niên Việt Nam hiện chiếm 24,6% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của thanh niên. Thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.
Ông Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho hay luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Thanh niên năm 2005. Luật có 7 chương, 41 điều, quy định rất cụ thể vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của nhà nước đối với thanh niên; Tháng Thanh niên và trách nhiệm đối thoại với thanh niên; chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Đặc biệt, luật mới sửa đổi quy định nội dung quản lý nhà nước về thanh niên với 8 nhiệm vụ cụ thể. Giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm bảo đảm xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm và từng giai đoạn.

Đảm bảo thanh niên phát huy hết tiềm năng

Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng luật Thanh niên là sự kết tinh của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, nhiều tập thể, cá nhân nhiệt huyết với thế hệ trẻ. Thể chế các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về thanh niên và công tác thanh niên; nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Điều quan trọng là đưa luật vào cuộc sống thế nào, nếu không áp dụng thì luật không có ý nghĩa gì.
Ông Tuyết đề nghị T.Ư Đoàn Thanh niên kết hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, đẩy mạnh tuyên truyền triển khai luật Thanh niên. Để tổ chức triển khai thực hiện luật Thanh niên có hiệu quả, rất cần có sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và địa phương, ông Tuyết cũng đề nghị Bộ Nội vụ triển khai thực hiện Nghị định để hướng dẫn áp dụng luật Thanh niên từ 1.1.2021.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị: “UBND cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả luật Thanh niên và các chính sách liên quan đến thanh niên”.
Bà Naomi Kitahara bày tỏ tin tưởng luật Thanh niên sẽ đem lại khuôn khổ pháp lý có giá trị trong việc hướng dẫn hoạch định và thực hiện các chương trình, chính sách thanh niên của Chính phủ cho thanh niên Việt Nam. Các nhóm thanh niên đa dạng như thanh niên khuyết tật, dân tộc, nhập cư, phụ nữ và trẻ em gái và thanh niên đồng tính… phải được tôn trọng đầy đủ trong giai đoạn thực thi luật Thanh niên mới.
Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, Việt Nam có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Covid hiện nay”. Bà Naomi Kitahara khẳng định UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng thanh niên Việt Nam sẽ được phát huy hết tiềm năng của mình.



Chính phủ   Covid   Giáo dục   Nghị định   chiến lược   chính sách   cuộc sống   giá trị   phát triển   đầu tư