Gia tài khổng lồ của ông lão xứ Cảng
Là một người đam mê âm thanh, ông Phùng Văn Bài (Hải Phòng) dành phần lớn thời gian để sưu tầm cassette (cát-xét). Trong đó, dòng đài mà ông ưa chuộng nhất đến từ các thương hiệu lớn ở Nhật Bản như Sharp, Sony, Panasonic, Toshiba.
Theo thống kê, trong kho tàng của ông vua đài Việt Nam hiện có khoảng 1.800 chiếc cassette (cát-xét) Nhật. Vào thời gian cao điểm, số lượng đài còn lên tới hơn 2.000 chiếc. Giá trị của đài cũng khá đa dạng và chia theo từng phân khúc như 2 - 3 triệu đồng/chiếc, 4 - 6 triệu đồng/chiếc, 8 - 10 triệu đồng/chiếc, 15 - 25 triệu đồng/chiếc.
Để chứa được kho tàng khổng lồ này, ông Bài đã phải huy động tới 2 căn nhà để chất đầy "báu vật". Theo tiết lộ, ông dự kiến sẽ quy hoạch lại một căn nhà để chuyên làm nhiệm vụ đặt để đài cát-xét. Với mong ước, không gian mới sẽ là góc trưng bày, sưu tập "người bạn" quý trong đời.
"Trong thời gian tới, tôi dự tính sẽ dùng một căn nhà 3 tầng để chuyên trưng bày đài cát-xét. Và đóng 40 chiếc tủ đựng bằng gỗ gụ, có lắp kính để làm chỗ để đài" - ông nói.
Ông Bài tâm sự, ông bắt đầu sưu tầm đài chuyên nghiệp từ năm 2014, với quan niệm chơi đài vì đam mê, yêu thích, không nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Trong đó, những chiếc đài dân buôn có mua được từ nhà ông thì đa phần đều xếp vào hàng loại thải.
"Qua thời gian, hễ có chiếc cát-xét nào mà không đủ điều kiện hay không đáp ứng được tiêu chí tôi đưa ra sẽ loại hết. Còn quan điểm của tôi vẫn là chiếc nào tốt nhất, hay nhất sẽ luôn được giữ lại, không bao giờ bán. Bởi tôi chơi là đam mê chứ không nghĩ đến việc buôn bán" - ông cho biết.
Ông Bài cũng cho biết thêm, ngày trước, ông vốn là lính trinh sát chuyên giải mật mã nên rất am hiểu và thích cát-xét. Sau khi nghỉ hưu, sức khỏe ông yếu dần nên cũng ít khi ra ngoài. Khi ấy, có người mua tặng ông vài cái đài, ông vui mừng lắm, từ đó đến nay, ông sưu tầm đài như thú vui tuổi già.
Đồng thời, ông Bài cũng kết nối với một mối hàng bên Nhật, ký hợp đồng với họ để mua đài chuyển về Việt Nam. Những năm trước, ông dùng đường hàng không để vận chuyển, nhưng hiện tại, ông lại chuộng đường biển. Theo lý giải, dòng đài cát-xét gần đây ông nhập đều thuộc loại to, nếu đi theo đường máy bay sẽ khá tốn tiền.
Sự tỉ mỉ, cầu kỳ chỉ có ở người mê đài
Để phục vụ cho thú chơi cát-xét, ông Bài còn thuê 3 người thợ giỏi, chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng đài. Đơn cử như khi có lô hàng từ Nhật cập bến, ông sẽ cho thợ kiểm tra ngay, nếu phát hiện thấy mạch có vấn đề sẽ kịp thời sửa chữa. Sau đó, tất cả sẽ được ông nghiệm thu lại rồi mới mang đi trưng bày. Tương tự với những chiếc đài có sẵn trong kho, ngày nào cũng trải qua vài vòng kiểm duyệt.
"Nhiều người nói tôi là kỳ công vì ngoài sưu tầm còn đầu tư, thuê thợ đi theo bảo dưỡng đài. Như việc vệ sinh, tu sửa một chiếc đài to cũng ngốn 4 ngày và tốn 1 triệu đồng tiền công" - ông cho biết.
Ngoài ra, ông Bài cũng nhận định, việc sửa chữa, bảo dưỡng đài không hề đơn giản. Trong đó, việc bảo quản mạch là yếu tố sống còn của đài cát-xét, nên thợ non nghề là bó tay chịu cứng.
Thế nên, ngay từ việc mua đài cát-xét, ông Bài cũng đặt ra quy tắc, chỉ nhập hàng chính ngạch từ các siêu thị ở Nhật, nói không với hàng bãi. Bởi hàng bãi thường không được bảo quản tốt nên mạch hay có vấn đề. Trong khi đó, đài ở trong siêu thị luôn có điều hòa, bảo quản đúng tiêu chuẩn nên khi hàng về vẫn sáng choang, mới cứng.
Do đó, trong khuôn viên đặt để đài của ông Bài luôn được trang bị hệ thống máy hút ẩm, tủ kính, túi bọc cẩn thận. Ngoài ra, ông còn lắp cả hệ thống camera giám sát 24/24, tránh tình trạng mất cắp khi có người lạ vào nhà.
Nói về thú chơi cát-xét, ông vua đài Việt Nam cho rằng: "Nếu ai mê đài thực sự thì một con cũng không bao giờ bán. Chứ không phải nay thích thì hứng lên mua 10 con đài, mai có việc cần tiền thì gọi người bán gấp, thì đấy không phải là chơi đúng nghĩa".
Đặc biệt, ông Bài cũng thừa nhận, kinh tế là một trong những thách thức lớn cho người đài. Như ông, để sắm được "gia tài" đồ sộ, ông phải tích cóp trong nhiều năm liền và dành số tiền lương hưu của mình đổ vào 2 căn nhà chất đầy cát-xét.
"Việc tôi sưu tầm đài, gia đình, con cháu ai cũng ủng hộ. Nhưng đôi lúc, chúng vẫn than rằng, con thấy bố khổ quá, đáng lẽ bằng tuổi bố thì nên đi hưởng thụ, nghỉ dưỡng khắp nơi, chứ ai lao vào âm thanh, rồi suốt ngày phải gọi điện nước ngoài, nước trong nhờ mua hàng. Nhưng tôi mới bảo chúng rằng, cả cuộc đời bố đã gắn liền với chiến tranh, mưa bom bão đạn nên về già chỉ muốn yên tĩnh và có đài bầu bạn" - ông kể.
Thế nên, ông Bài luôn tâm niệm: "Kể cả sau này tôi không còn nữa, gia tài vẫn còn đó. Thứ tôi chơi là âm thanh, ra đi vẫn mãi là âm thanh. Tôi sẽ để lại nguyên bản cho các con tất cả, còn giữ hay không là quyền của chúng và tôi luôn tôn trọng mọi quyết định".
Một số hình ảnh về đài cát-xét của ông "vua" đài Việt Nam:
Hoàng Dung
Nhật Bản Panasonic Việt Nam quy hoạch đầu tư