28/09/2020 8:11  

Bất chấp dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy may mặc của các doanh nghiệp FDI vẫn được khởi công trong quý 2 và 3 năm nay. Với số vốn lên tới hàng trăm triệu đô la, các nhà máy này đang dành sẵn cả chục ngàn việc làm cho người lao động.

Đón sóng mới

Tháng 7/2020, Công ty TNHH Thời trang Fortunate Hồng Kông Việt Nam đã khởi công dự án Nhà máy may mặc Fortunate Việt Nam tại Tây Ninh quy mô 19,2 triệu sản phẩm/năm. Trước đó, trong tháng 6/2020, ngành dệt may thu hút thêm một dự án lớn của Công ty TNHH Texhong Dệt Kim (Hồng Kông) tại KCN Texhong Hải Hà (Quảng Ninh) với vốn đầu tư 214 triệu USD. Dự án có nhu cầu 2.700 lao động, công suất thiết kế 82.500 tấn (tương đượng 375 triệu m2) vải dệt kim nhuộm/năm. Theo kế hoạch, cuối năm 2021, giai đoạn I của dự án sẽ đi vào hoạt động, và giai đoạn II sẽ hoàn thiện sau đó 20 tháng.

Một dự án khác trong lĩnh vực này là Nhà máy sản xuất sợi Brotex Khu C của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) 100% vốn Trung Quốc cũng được khởi công hồi tháng 2 năm nay tại KCN Phước Đông (Gò Dầu, Tây Ninh).

Chia sẻ với báo giới TP.HCM mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang khẳng định, dòng vốn FDI từ các nước đang dịch chuyển vào Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư còn đến từ các nước như Ý, Đức và Nga. Hiện các doanh nghiệp đến từ Ý đã rót vốn đầu tư tại cụm sản xuất quy mô lớn từ sợi - dệt - nhuộm - may ở huyện Phù Cát (Bình Định) và dự án nhà máy dệt ở KCN Phố Nối (Hưng Yên).

Ngành dệt may trước đây chủ yếu là đầu tư của Hàn Quốc nhưng giờ có tất cả các nhà máy sản xuất chỉ của các nhà đầu tư thuộc 5 nước có ngành sản xuất chỉ hàng đầu thế giới. Họ nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam. 

Năm 2019, dù thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng lượng vốn FDI vào ngành này không giảm. 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư lớn nhất vào ngành dệt may lần lượt là Hồng Kông (447 triệu USD), Singapore (370 triệu USD), Trung Quốc (270 triệu USD), Hàn Quốc (165 triệu USD), Seychelles (103 triệu USD).

Theo ông Vũ Đức Giang, với việc ký kết nhiều hiệp định tương mại tự do (FTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) càng khiến dịch chuyển đầu tư từ nay đến 2025 nhanh hơn. 

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty may Hưng Yên cũng cho rằng, sau đợt dịch này có thể các nước nhập khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ cơ cấu lại thị trường cung ứng. Và họ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và chuyển sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam.

Sức bật từ FDI

Theo các chuyên gia, ngành dệt may có năng lực sản xuất như hiện nay là nhờ nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… đã giúp ngành dệt may hoà nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Mỹ, EU, làm thay đổi đáng kể cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng như giá cả. Không chỉ thế, đầu tư nước ngoài chuyển từ hoạt động gia công là chủ yếu sang các lĩnh vực thượng nguồn hơn như sản xuất vải và nhuộm. Năm 2019, hơn 80% vốn FDI vào ngành bao gồm các dự án sản xuất vải và nguyên phụ liệu.

Bên cạnh nguồn vốn, các doanh nghiệp FDI cũng đã tạo ra áp lực cạnh tranh và lợi ích lan tỏa, kích thích sự đổi mới và tăng trưởng của các nhà sản xuất trong nước, cũng như giúp mở rộng năng lực của ngành. Sự đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của ngành dệt may tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 36 tỷ USD, đến năm 2019 tăng lên 39 tỷ USD, trong đó, khối FDI nắm giữ khoảng 65%.

Sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Hiện tại, Việt Nam chỉ đáp ứng tỷ lệ nội địa từ 47-48%, nhưng với sự dịch chuyển đầu đang gia tăng, có thể nâng lên đạt 67-68% trong thời gian tới. Khi tỷ trọng nội địa hóa tăng, ngành dệt mặc sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, vài năm gần đây doanh nghiệp ngành dệt may đã chuyển dần sang làm FOB hay OEM, thay vì chỉ tập trung làm gia công như trước.

Các chuyên gia cho rằng đầu tư FDI vào ngành dệt may cần thêm cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo sức hút cho các nhà đầu tư tham gia vào chuỗi khép kín dệt, nhuộm và may thành phẩm.



Covid   doanh nghiệp   Nhật Bản  


Bài viết liên quan