28/09/2020 8:11  

Là một trong số các khu vực đóng cửa biên giới quyết liệt nhất, cũng như chậm mở cửa lại nhất để phòng chống Covid-19, phần nhiều các quốc gia châu Á đến nay vẫn "cửa đóng then cài" với du khách quốc tế.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) - cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, tính đến đầu tháng 9 năm nay, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á - Thái Bình Dương, tương đương 61%, vẫn đóng cửa hoàn toàn với du khách nước ngoài. 

Con số này vượt xa so với mức 17% của châu Âu, 41% của Mỹ và 51% của châu Phi. Trên toàn thế giới, 43% trong số 215 điểm đến được khảo sát bởi UNWTO vẫn duy trì lệnh đóng cửa biên giới đối với du khách. 

"Các điểm đến tại châu Á và Thái Bình Dương đang mất nhiều thời gian hơn để nới lỏng lệnh đóng cửa. Đây cũng là điểm đáng chú ý, khi các điểm đến tại khu vực này là một trong những nơi đầu tiên đưa ra quy định hạn chế đi lại từ khi đại dịch bùng phát", UNWTO cho biết.

Theo cơ quan này, trong số 27 điểm đến đã đóng cửa hoàn toàn suốt 30 tuần, có đến 19 nơi thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đã nối lại hoạt động du lịch trong khu vực EU từ khoảng tháng 6 để đón đầu mùa hè, trước khi dần dần mở cửa cho du khách không thuộc châu Âu nhập cảnh.

Ngược lại, nhiều quốc gia châu Á vẫn đang tiếp tục đóng cửa hoàn toàn đối với du khách nước ngoài, kể cả các thị trường du lịch hàng đầu và ghi nhận số ca nhiễm bệnh hằng ngày tương đối thấp như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Điều này đã đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân nhắc giữa sức khoẻ của nền kinh tế với sức khỏe của người dân, cũng như làm tăng áp lực vốn đã kéo dài lên các thị trường phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch quốc tế.

Thái Lan - thị trường thu hút xấp xỉ 40 triệu du khách vào năm ngoái và có khoảng 10% GDP đến từ hoạt động du lịch, đang tìm cách mở cửa trở lại thiên đường nghỉ dưỡng Phuket vào tháng tới. Song, khi chuỗi 100 ngày không có ca nhiễm cộng đồng tại Thái Lan bị phá vỡ, kịch bản này hiện vẫn chưa chắc chắn.

Việt Nam tuần trước đã khôi phục các chuyến bay quốc tế có giới hạn đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng chỉ dành cho công dân Việt Nam, nhà ngoại giao, doanh nhân, sinh viên và các hành khách được ưu tiên khác. Trong khi đó, Malaysia nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa biên giới với du khách quốc tế cho đến quý II/2021, theo Bộ trưởng Du lịch Nancy Shukri.

Theo Brendan Sobie - một chuyên gia phân tích hàng không độc lập, trong một số trường hợp, chính phủ các nước có thể dựa vào du khách nội địa để bù đắp tình trạng suy giảm, làm dịu đi một phần nhu cầu phải mở cửa trở lại. Một số quốc gia "hiện đã tập trung hơn vào du lịch và các chuyến bay nội địa, vốn đã phục hồi khá tốt", Sobie nói.

Tuy nhiên, chính phủ cần cân nhắc việc cho phép du khách nhập cảnh một cách kỹ lưỡng, vì một đợt bùng dịch mới hay làn sóng dịch thứ hai hoàn toàn có thể khiến các hệ thống y tế đã yếu lại càng yếu hơn, UNWTO cho biết. Đối với các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Ấn Độ, Indonesia và Philippines, trở ngại cho việc mở cửa lại hoạt động du lịch cũng lớn hơn.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh "tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh y tế trong việc nới lỏng giới hạn đi lại", đồng thời cho biết, phần lớn các điểm đến đã nới lỏng đều sở hữu quy chuẩn y tế cao. Đồng nghĩa, chính phủ các nước sẽ tiếp tục đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa sức khoẻ của nền kinh tế với sức khỏe của người dân trong ngắn hạn. 

Dù vậy, việc mở cửa biên giới đương nhiên không phải "phương thuốc tiên" có thể cứu vớt hoàn toàn nền kinh tế. Đơn cử, Hàn Quốc chưa bao giờ ban lệnh cấm du khách, mà chỉ yêu cầu du khách ở lại khu cách ly trong 14 ngày vào tháng 4/2020, song theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, số lượng du khách vẫn giảm đến 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thế nên, cần biết rằng, tất cả những mối lo của du khách về virus, các giới hạn đi lại ở nước khởi hành, sự bất ổn trong các quy định khác nhau và gánh nặng về thời gian cách ly đều sẽ là rào cản đối với hoạt động du lịch. 

Tuy nhiên, UNWTO cho biết, các nước có thể bắt đầu mở cửa lại hoạt động du lịch giải trí, đồng thời thúc giục chính phủ các nước thiết lập những biện pháp bảo vệ cần thiết để mở lại biên giới. Theo đó, nên tổ chức xét nghiệm ngay tại sân bay và triển khai ứng dụng theo dõi du khách. 

"Dù vậy, đây sẽ là một tiến trình diễn ra rất chậm. Tôi cho rằng, cần phải có một quốc gia đi đầu. Nếu mô hình của quốc gia đó thành công, các nước khác sẽ học tập theo", Sobie nói.

Theo dự báo từ hầu hết thành viên thuộc Hội đồng Chuyên gia Du lịch từ UNWTO cách đây 2 thág, hoạt động du lịch quốc tế có thể sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021; trong khi số ít còn lại hy vọng đà phục hồi diễn ra vào quý đầu năm tới.

Ngoài một số rủi ro ngăn chặn đà phục hồi của hoạt động du lịch, như nguy cơ virus tái bùng phát hay quy định hạn chế du lịch và đóng cửa biên giới, các rủi ro khác có thể kể đến như nhiều thị trường du lịch nước ngoài chủ chốt, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, vẫn giậm chân tại chỗ, thiếu thông tin uy tín về tình hình dịch bệnh, áp lực thu nhập do kinh tế suy thoái, cũng như các quy tắc an toàn cần phải áp dụng khi du lịch.



thành công   Covid   doanh nhân   hành vi   sân bay   Nhật Bản