29/09/2020 14:25  

Trái với những đồn đoán cho rằng Nissan rút khỏi Việt Nam vì kinh doanh khó khăn, thương hiệu ô tô Nhật Bản này công bố tiếp tục “bám trụ” thị trường với một thương hiệu phân phối hoàn toàn mới.

Công ty Phát triển Công nghiệp Ô tô Việt Nam (VAD) vừa phát ra thông báo cho biết sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm Nissan tại Việt kể từ ngày 1/10/2020. Đây là một thương hiệu mới toanh trong lĩnh vực phân phối xe tại Việt Nam, và theo Cổng thông tin đang ký hoạt động doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì VAD mới hoạt động được 1 tháng (từ ngày 28/8/2020) với người đại diện pháp luật là ông Đào Phong Trúc Đại. 

Như vậy, không có chuyện Nissan sẽ biến khỏi thị trường Việt Nam mà chỉ thay đổi nhà phân phối. Dù còn rất mới nhưng doanh nghiệp này tuyên bố cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam, và “đã có những kế hoạch dài hạn dành cho hệ thống đại lý, sản phẩm, dịch vụ và khách hàng của mình. VAD sẽ tập trung phát triển mạng lưới đại lý trong thời gian tới, mở rộng và cải tiến danh mục sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và các chính sách chăm sóc khách hàng đi kèm”.

Hiện 27 đại lý xe Nissan trên nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn hoạt động bình thường và kinh doanh dưới thương hiệu xe Nissan. Cùng với công tác chuyển đổi nhà phân phối, mọi chính sách và quyền lợi về sản phẩm, dịch vụ và các chính sách đang được Nissan cung cấp cho khách hàng Việt Nam sẽ không thay đổi.

Theo doanh nghiệp này, để thực hiện chiến lược chung toàn cầu hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững, Nissan đã và đang hoạch định lại chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn tại thị trường Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ tốt hơn nữa, đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng hiện tại cũng như trong tương lai”, đại diện Nissan cho hay.

Chưa biết chiến lược bám trụ của Nissan như thế nào nhưng không dễ cho thương hiệu này. Bởi hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, họ vẫn chưa tạo được dấu ấn trên thị trường và thị phần của thương hiệu xe Nhật này vẫn còn rất khiêm tốn. 

Năm 2010, Nissan Việt Nam ra đời bằng mô hình liên doanh giữa Nissan Motor (Nhật Bản) và Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings Berhad (TCMH) của Malaysia với hoạt động kinh doanh dưới cả hai hình thức lắp ráp và nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Đến năm 2013, Tan Chong khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Nissan tại Đà Nẵng với vốn đầu tư 40 triệu USD, công suất 6.500 xe/năm, khả năng nâng công suất 30.000 xe/năm.

Dù đầu tư không nhỏ cho sản phẩm, thương hiệu… nhưng các dòng sản phẩm của Nissan như Grand Livina, Navara, X-Trail, Sunny hay Teana đều không đạt được doanh số kỳ vọng, thậm chí các mẫu xe này còn hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc.

Kể từ năm 2018, khi Nissan Motor tuyên bố chấm dứt liên doanh với Tập đoàn Tan Chong Motor Holdings (Malaysia), trong nhập khẩu và phân phối các dòng xe Nissan tại thị trường Việt Nam,hoạt động của Nissan không mấy suôn sẻ. Từ đầu năm đến nay, khó khăn riêng cộng với tình hình chung của dịch bệnh, Nissan phải liên tục khuyến mãi, hạ giá bán sản phẩm để đẩy hàng đi. 

Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá sẽ đạt quy mô 500.000 xe/năm từ 2020 và có thể lên đến 1 triệu xe vào năm 2030. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua sụt giảm mạnh khi các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ bán được 145.689 xe trong 8 tháng qua, giảm đến 24% so với cùng kỳ năm 2019.



doanh nghiệp   Nhật Bản   Tập đoàn   USD   Việt Nam   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ   hành vi   phát triển   sản xuất   tập trung   Ô tô   Đà Nẵng   Đầu tư   đầu tư