29/09/2020 19:11  

“Uống cà phê là yêu nước”

Kể từ khi Christopher Columbus (1451-1506) phát hiện ra châu Mỹ, những cuộc di dân đến “Tân thế giới” diễn ra một cách ồ ạt. Làn sóng di dân mang theo văn hoá khắp thế giới đến vùng đất này.
Những quán cà phê đầu tiên ở Mỹ do người Anh thành lập, đậm dấu ấn hàng quán cà phê truyền thống của Anh - một nơi chốn hàn lâm được tôn vinh là “Trường đại học một hào - Penny Universities”. Bên tách cà phê là những cuộc tranh luận về các vấn đề thời đại. Khách hàng đến quán cà phê Mỹ phần lớn là nhà hàng hải, nhà thám hiểm, thương gia và sĩ quan, binh lính… vì vậy, hàng quán cà phê tại Mỹ đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội theo cách khác biệt. Nếu ở Anh, quán cà phê khởi sự cho thời đại khai sáng và cuộc cách mạng khoa học, thì ở Mỹ, quán cà phê là nơi trỗi dậy cuộc cách mạng giành quyền tự chủ, tự do cho dân tộc.
Thế kỷ 17, 18, Mỹ là thuộc địa của người Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Anh. Quốc gia này là thị trường tiêu thụ sản phẩm của các đế quốc thực dân. Sau khi người Anh bành trướng thế lực tại Mỹ, họ đã áp đặt thuế triệt để vào ngành thương mại, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu từ mẫu quốc nhằm gia tăng nguồn thu. Người Mỹ nhận ra rằng, nếu mất đi quyền tự chủ về kinh tế, lâu dần sẽ tổn hại tới tất cả các quyền tự do của quốc gia.
Green Dragon Tavern, một quán cà phê mở trong trung tâm thương mại của Boston vào năm 1697 được gọi là Trụ sở của Cách mạng. Đây là nơi những người yêu tự do và tướng lĩnh Cách mạng Mỹ bàn về thiết chế của một nền dân chủ, độc lập. Những tổ chức chính trị quan trọng như Freestyleons, Sons of Liberty, Boston Caucus, Ủy ban thư tín (Committees of Correspondence) kết nối tại quán cà phê Green Dragon Tavern và đưa ra kế hoạch Bữa tiệc trà - Boston Tea Party vào năm 1773.
Khi công dân Boston ném hàng tấn trà xuống biển để phản đối các chính sách chuyên chế của Anh, họ cũng đồng thời kêu gọi người Mỹ sử dụng cà phê như thức uống đại diện cho tinh thần yêu tự do, khẳng định tính chủ quyền của người Mỹ.
Sau sự kiện Boston Tea Party, cà phê được xem là “vua trên bàn ăn Mỹ”. Hàng quán cà phê mở rộng chức năng và trở thành không gian giao dịch kinh doanh, hội nghị chính trị, nhà hát kịch, hòa nhạc, triển lãm và những hoạt động văn hóa xã hội khác. Quán cà phê Exchange Coffee House ở Quảng trường Quốc hội (Congress Square) là sàn giao dịch thương mại quan trọng vào đầu thế kỷ 19 và là biểu tượng tham vọng của ngành thương mại Boston. Quán Tontite Coffee House tại New York là phiên bản đầu tiên của Sàn giao dịch chứng khoán New York. Những quán cà phê ven sông Mississippi thuộc New Orleans như Maspero Coffee House, Café du Monde, Café Au Lait, Royal Blend, CC's Coffee House… là nơi thực hiện hầu hết giao dịch giữa các doanh nghiệp lớn trong thành phố. Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia có nguồn gốc từ hoạt động tài chính tại quán cà phê London Coffee House phố Market Street.
Quán cà phê được lựa chọn là nơi khởi sự kinh doanh không đơn thuần vì thức uống chống lại trà của Anh mà vì khao khát muốn khẳng định mình. Những người di cư đến Mỹ phần lớn thuộc tầng lớp xã hội thấp, họ rũ bỏ quá khứ, khảm sâu vào tâm trí một khát vọng về sự giàu có, quyền lực và sự vĩ đại.
Quan niệm sống thân lập thân - self made man của người Mỹ có hàm ý vận mệnh là kết quả của nỗ lực cá nhân. Vì thế, mỗi người tự khơi dậy tia sáng của sự sáng tạo để đổi mới chính mình. Cà phê và hàng quán cà phê trở thành xúc tác quan trọng để kích hoạt và thăng hoa sáng tạo. Những trao đổi bên ly cà phê mang tính trí tuệ và đa chiều, hỗ trợ cho việc xác định phương hướng nhân sinh phù hợp để hành động mang lại hiệu quả tốt. Cũng chính lẽ đó, quán cà phê không chỉ là nơi gặp gỡ, mà là nơi đại diện cho khát vọng lớn, nơi con người đặt niềm tin và tìm kiếm đường hướng thay đổi cuộc đời.

Cà phê trên hành trình hoàn thiện “tân thế giới”

Sau khi giành được tự do, người Mỹ tiếp tục mưu cầu thiết lập bản sắc riêng để thực sự là một quốc gia. Lớp người định cư đầu tiên ở Đông Mỹ đã hành động và suy nghĩ như người châu Âu. Những nhà lãnh đạo quốc gia nhận thức rằng cần thiết lập tự do bằng cách giải phóng người Mỹ khỏi tư duy châu Âu.
Năm 1893, nhà sử học Frederick Jackson Turner công bố “Luận văn biên cương” nhấn mạnh rằng tính cách Mỹ được tạo thành từ Biên giới Mỹ (bao gồm địa lý, lịch sử, văn hóa Mỹ). Phải chinh phục những vùng đất chưa phát triển, xác lập “Tân thế giới”. Ý tưởng của Turner truyền cảm hứng khởi xướng cuộc đại khai phá nhiều biên giới như sông Mississippi, Đại Bình nguyên Bắc Mỹ (Great Plains), Dãy Rocky, Tây Nam Mỹ, Tây duyên hải, Hawaii… đặc biệt tập trung vào “Miền viễn Tây hoang dã”.
Những người tiên phong đến miền Tây mang theo hạt cà phê bên mình để duy trì sức mạnh tinh thần vượt mọi thử thách. Họ đi từng đoàn. Giữa những quãng dừng tái tạo năng lượng và những lúc thay nhau canh gác vào buổi tối, họ cho cà phê trực tiếp vào ấm và đun sôi trên bếp lửa. Họ ngồi bên nhau, kể chuyện hoặc chia sẻ những ý tưởng mới. Cách thưởng thức cà phê này cho đến nay vẫn được gìn giữ như truyền thống văn hóa cà phê kiểu Mỹ và được gọi là Cowboy Coffee.
Theo đoàn viễn chinh, hàng quán cà phê cũng được hình thành trên những vùng đất mới. Mang phong cách phóng khoáng, đa văn hóa, quán cà phê là nơi những người xa lạ đang đi tìm giấc mơ cuộc đời quần tụ lại. Để cảm thấy mình thuộc về cộng đồng, chung chí hướng và giúp đỡ nhau để cùng tồn tại, phát triển.
Các quán cà phê trên đường State Street (Chicago) phát triển âm nhạc jazz, blues, rock... Quán cà phê Mountain Moving Coffeehouse (Chicago) đại diện cho tư duy bình đẳng giới. Các tổ chức Studio Watts, Hội Nhà văn Watts, Hiệp hội Westminster trình diễn tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, phim ảnh tại quán cà phê Watts Coffee House và Watts Happening Coffee House (Los Angeles). Môi trường sáng tạo này là tiền đề thành lập Học viện văn hóa và nghệ thuật Mafundi - trung tâm giáo dục ý thức cộng đồng thông qua kịch và phim ảnh.
Quán cà phê từ trung tâm sinh hoạt cộng đồng trở thành trung tâm giáo dục, nơi gặp gỡ của các chuyên gia. Những ý tưởng được đưa vào kế hoạch kinh doanh, những chính sách và lý tưởng mới được phổ biến. Những phát minh mới dẫn đến việc tạo ra các ngành công nghiệp mới và tăng trưởng kinh tế. Năm 1968, Công ty Texas Coffee sản xuất thành công cà phê đóng gói trong bao bì chân không, khởi đầu cuộc cách mạng ngành cà phê công nghiệp tại Mỹ. Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, thung lũng Silicon, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ dần hình thành trên miền đất từng là nơi hoang dã. Và nước Mỹ thực sự tách khỏi tư duy châu Âu, từ quốc gia thuộc địa vươn lên siêu cường trong nhiều lĩnh vực.
American Dream - Giấc mơ Mỹ là giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn. Là niềm tin về sự tự do, cho phép tất cả các công dân không phân biệt bản địa hay thường trú nhân đều có cơ hội lựa chọn và quyết định cho số phận chính mình, tự khẳng định mình trong nỗ lực và sáng tạo. Từ thời khai quốc mưu cầu cuộc sống tự do, và sau đó là khát vọng tạo nên tầm vóc vĩ đại cho dân tộc, cho quốc gia, cà phê đã luôn được lựa chọn như thức uống của tinh thần Mỹ, biểu đạt khát vọng sống hướng về tương lai hạnh phúc cho tất cả con người.
Đón đọc kỳ sau: Thương mại cà phê xác lập vị thế cường quốc Hà Lan.



doanh nghiệp   lãnh đạo   trung tâm thương mại   trung tâm thương mại   Cà phê   Hiệp hội   Silicon   chinh phục   chuyên gia   chính sách   cuộc sống   doanh nghiệp   giáo dục   lãnh đạo   lãnh đạo   phát triển   sáng tạo   sản xuất   thành công   truyền cảm hứng   tập trung   âm nhạc