29/09/2020 10:03  

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã triển khai lực lượng để hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột ngày càng leo thang với nước láng giềng Armenia. Tuy nhiên, phía Azerbaijan đã bác bỏ thông tin này.

Theo Reuters, Đại sứ Armenia tại Nga ngày 28/9 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai khoảng 4.000 thành viên từ bắc Syria tới Azerbaijan và lực lượng này đang chiến đấu tại đây.

Phía Armenia cũng cho biết các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu dọc Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh - nơi đang xảy ra tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp các máy bay không người lái và máy bay quân sự cho Azerbaijan.

Reuters dẫn lời 2 thành viên từ các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại các khu vực ở bắc Syria dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ được triển khai tới Azerbaijan theo chỉ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai người này cho biết các chỉ huy Syria nói rằng họ sẽ kiếm được khoảng 1.500 USD/tháng cho nhiệm vụ này.

Theo Tass, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Anna Nagdalyan ngày 28/9 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang chiêu mộ lính đánh thuê tại Trung Đông để triển khai tới khu vực Nagorno-Karabakh.

“Người Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu cùng người Azerbaijan (ở Nagorno-Karabakh). Họ sử dụng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm thiết bị bay không người lái và máy bay. Chúng tôi cũng có thông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chiêu mộ lính đánh thuê từ một số nước Trung Đông và đang điều động lực lượng này tới Azerbaijan”, bà Anna cho biết.

Azerbaijan bác bỏ

Hikmat Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên. Ông cho biết việc đưa các tay súng Syria tới giúp Azerbaijan là điều “hoàn toàn vô nghĩa”.

“Lực lượng vũ trang của chúng tôi thừa nhân lực và quân dự bị”, ông Hajiyev cho biết thêm.

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường mở rộng ảnh hưởng trong khu vực khi đưa quân tới các nước láng giềng Syria, Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan do hai nước có mối quan hệ lịch sử, văn hóa chặt chẽ và cùng thực hiện các dự án năng lượng chung.

Cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Armenia và Azerbaijan nổ ra từ sáng 27/9, khi hai bên cáo buộc nhau tấn công trước vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh.

Nagorno-Karabakh là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có đa số dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sát nhập vào Armenia. Khu vực được Armenia hậu thuẫn về quân sự và tài chính. Tranh chấp chủ quyền đối với Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã kéo dài nhiều năm nhưng cho tới nay vẫn chưa có hồi kết và xung đột thường xuyên xảy ra tại khu vực này.   

Đại sứ Armenia tại Nga cho biết khoảng 30 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong các vụ đụng độ ở Nagorno-Karabakh. Armenia nói rằng Azerbaijan mất khoảng 200 lính, cùng 30 đơn vị pháo binh và 20 máy bay không người lái.

Về phần mình, Azerbaijan cho biết ít nhất 550 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc “phản công” của Azerbaijan. Armenia nhanh chóng bác bỏ thông tin này là “không có cơ sở”.

Vụ đụng độ tại Nagorno-Karabakh làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của các nước lớn như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có quan hệ liên minh quốc phòng với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cộng đồng gốc Thổ tại Azerbaijan.

Nga đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Nagorno-Karabakh, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ủng hộ Azerbaijan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan yêu cầu Armenia dừng ngay việc chiếm đất của Azerbaijan và cho rằng đã đến lúc chấm dứt cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/9 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc, đề nghị Armenia và Azerbaijan làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch. Đại sứ Armenia tại Nga cho biết Armenia sẵn sàng đề nghị Nga hỗ trợ quân sự thêm, tuy nhiên hiện chưa cần thực hiện điều này.

Thành Đạt

Tổng hợp



chuyên gia   chính sách   hành vi   khủng hoảng  


Bài viết liên quan