01/10/2020 13:15  

Nhiều doanh nghiệp thiếu tiền nhưng không tiếp cận được gói 16.000 tỷ đồng vì những điều kiện quá khắt khe.
Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

  

Chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận với gói 16.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay lãi suất 0% đối với chủ doanh nghiệp để trả lương cho lao động ngừng việc bởi ảnh hưởng Covid-19 (Ảnh minh họa)

Mặc dù khoản vay ưu đãi với lãi suất 0% chiếm số nhỏ so với nhu cầu vốn hoạt động của doanh nghiệp, song tới nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải ngân từ gói 16.000 tỷ đồng! Nghịch lý này xuất phát từ những điều kiện được cho là quá khắt khe, khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận, trong khi họ đang rất cần vốn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động.

“Doanh nghiệp đang mất niềm tin”

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Công ty thảm Âu Lạc cho biết, hàng tồn kho chất đống, trong khi vẫn phải oằn lưng chi trả tiền vay ngân hàng, tiền khấu hao máy móc, tiền phát sinh lưu kho sản phẩm... Đặc biệt, để giữ chân lao động, các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội cũng vẫn phải trả bình thường khiến áp lực càng gia tăng đối với doanh nghiệp.

“Lượng thiệt hại khó mà cân đo đong đếm được bằng đơn vị tiền cụ thể bởi tác động của cái này lại phát sinh thêm chi phí khác. Việc chứng minh các mức độ thiệt hại sẽ rất khó thực hiện đối với những doanh nghiệp sản xuất. Do đó, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp sẽ chọn cách “tự đứng lên” thay vì trông chờ vào gói hỗ trợ với hàng loạt bước thẩm định của cơ quan chức năng”, ông Quân nói.

Cụ thể, nhận định về gói 16.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay lãi suất 0% đối với chủ doanh nghiệp để trả lương cho lao động ngừng việc bởi ảnh hưởng Covid-19, ông Quân cho hay: Điều kiện được vay chỉ khi trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6, nghe đã ngược lý với điều kiện “người lao động phải nghỉ làm từ một tháng liên tục trở lên”.

“Công nhân phải nghỉ làm chỉ khi doanh nghiệp không thể có doanh thu, mà nếu không có doanh thu trong 2 - 3 tháng thì đã đóng cửa rồi, cần gì phải vay để trả tiền lao động? Hơn nữa, số tiền lương chỉ chiếm không quá 30% chi phí vận hành doanh nghiệp, chưa kể phát sinh tồn kho nhưng lại chỉ được vay 50% thì không doanh nghiệp nào muốn mất nhiều thời gian đi chứng minh để được vay số tiền ít ỏi đó”, ông Quân nhấn mạnh.

Qua đây, ông chủ Âu Lạc cho rằng, nếu không “cởi trói” điều kiện thì gói hỗ trợ vẫn “ế” khi doanh nghiệp vẫn đang gồng mình chống chọi, dẫn tới mất niềm tin vào chính sách của Nhà nước.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Chức, chủ doanh nghiệp may Thảo Quyền Quý nhận định: “ Doanh nghiệp đang mất niềm tin vào các gói hỗ trợ do tiến độ chậm, thủ tục phi thực tế”. Là một doanh nghiệp đã phải cắt giảm tới 50% nhân công song Thảo Quyền Quý vẫn không thể tiếp cận với gói hỗ trợ.

“Chúng tôi hay bảo nhau lên tivi mà nhận hỗ trợ bởi chính sách đưa ra nghe hấp dẫn nhưng việc thực thi không dễ. Thực tế, chúng tôi đã cử ra một bộ phận chuyên trách thực hiện kê khai hồ sơ, chứng minh mọi điều kiện, song khi thẩm định, cơ quan chức năng vẫn yêu cầu phải chứng minh thêm nhiều thủ tục con. Mình còn như vậy, thì những doanh nghiệp cắt giảm 20 - 30% lao động còn phải xếp hàng dài…”, ông Chức nói.

Trước đó, theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, điều kiện để doanh nghiệp vay vốn bao gồm: Có từ 20% hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện chỉ một doanh nghiệp được phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay gói 16.000 tỷ đồng nhưng sau đó cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Như vậy, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào vay được theo tinh thần của Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19.

Bỏ hầu hết các điều kiện cho vay ưu đãi!

Theo ông Nguyễn Huy Chức, doanh nghiệp hơn nhau ở chỗ tận dụng thời cơ, nếu gói hỗ trợ không đáp ứng kịp thì họ cũng không thể chờ đợi. “Số tiền vay được chỉ chiếm một phần quá nhỏ trong quy trình vận hành khi mức vay chỉ được hưởng dưới 50% lương trợ cấp thất nghiệp. Do đó chỉ cần doanh nghiệp khó khăn, có lao động nghỉ việc, có nhu cầu là được vay chứ không nên đặt quá nhiều điều kiện làm gì”.

Ngoài ra, ông Chức cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất từ chính sách hỗ trợ bây giờ là làm sao giảm chi phí đầu vào gồm: Tiền đóng BHXH, thuế giá trị gia tăng, thuế đất, lãi suất ngân hàng… Qua đó, tùy từng loại hỗ trợ, Nhà nước đưa ra những quy định cụ thể sát thực tế.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn bởi dịch Covid-19 đợt 2, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định: Hiện, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khốn khó, lao đao. Tác động kép từ đợt dịch lần 2 khiến chính sách hỗ trợ trong thời điểm này không những phải kịp thời mà còn mang tính dài hơi. Đặc biệt, gói hỗ trợ hưởng lãi suất 0% là rất cần thiết vì nó giúp tiết giảm dòng tiền từ doanh nghiệp ngay thời điểm hiện tại.

“Doanh nghiệp vừa có ngay dòng tài chính để hoạt động, lại có thêm hứng khởi khi không phát sinh lãi. Điều này tiếp thêm niềm tin và động lực để họ vực dậy sau Covid-19. Như vậy, càng nên bỏ hết những vướng mắc về thủ tục, chỉ cần quy về một mối nhất định để doanh nghiệp tham gia càng nhiều thì chính sách mới có hiệu quả”, ông Thân nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong ngày 29/9, đã hoàn tất dự thảo sửa đổi Nghị quyết 42 về hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo đó, liên quan tới điều kiện cho vay lãi suất 0% đối với chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vị đại diện cho hay: “Bản dự thảo cập nhật đã bỏ gần hết các điều kiện, chỉ giữ lại điều kiện doanh nghiệp phải giảm doanh thu 20% thì sẽ được vay”.

Theo ông Thân, với điều kiện chỉ cần chứng minh doanh nghiệp giảm 20% doanh thu là hợp lý bởi ở mức này, doanh nghiệp vừa cho thấy được triển vọng “sức khỏe” của mình, vừa có thể tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đang khó khăn được hỗ trợ để chăm lo cho người lao động.

Dự kiến nội dung sửa đổi Nghị quyết 42 sẽ được thông qua tại phiên họp Chính phủ đầu tháng 10 tới.

Vòng luẩn quẩn

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay, qua tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp, ông nhận ra họ không còn trông đợi gì vào các gói hỗ trợ. “Khi tháng 4, doanh nghiệp rất hứng khởi mong chờ nhưng thời gian qua đi, sau mấy tháng triển khai, rất ít người được tiếp cận nên phần đông doanh nghiệp đã mất hết hy vọng vào gói hỗ trợ”.

Trước thông tin Chính phủ đang tính toán cho gói hỗ trợ đợt 2, ông Hiếu kiến nghị: “Trước hết cần cải thiện các điều kiện để sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ về tín dụng, thuế phí từ đợt 1. Nếu không chẳng khác nào miếng bánh chưa ăn hết lại tiếp tục “vẽ” ra miếng bánh khác, gây tâm lý hoài nghi trong dư luận”.

Theo ông Hiếu, khả năng thanh khoản đang là vấn đề sống còn của doanh nghiệp hiện nay. “Thiếu hụt nguồn thu trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả tiền lương, tiền mặt bằng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ ngân hàng, thuế phí… Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ 1 tháng không chi trả được sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm, trong 3 tháng buộc phải rút lui khỏi thị trường”, ông Hiếu phân tích.

Trong tình thế này, ông Hiếu cho rằng, chỉ có 2 cách vực doanh nghiệp dậy: Một là Chính phủ bơm trực tiếp tiền cho doanh nghiệp; Hai là hệ thống ngân hàng cho vay vốn lưu động với lãi suất thấp, trong thời hạn dài. Tuy nhiên, phương án 1 không thể thực hiện bởi Việt Nam chưa có cơ chế cho phép Chính phủ hỗ trợ trực tiếp.

Với phương án 2, theo tính toán để cứu doanh nghiệp không đi vào bước đường cùng, lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 5% với thời hạn tối thiểu kéo dài trong 2 năm. Tuy nhiên phía các ngân hàng thương mại không thể chấp nhận được mức lãi suất này bởi lãi huy động đầu vào thấp nhất cũng đang ở mức 6%.

Để giải quyết bài toán vốn lưu động cho doanh nghiệp, ông Hiếu đưa ra giải pháp sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng cộng thêm vốn tái cấp của Ngân hàng Nhà nước giúp cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn tung vốn cho doanh nghiệp.

“Vấn đề theo quy chế hoạt động quỹ bảo lãnh tín dụng đặt ở các địa phương lại chỉ có mức vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng. Số vốn này quá ít, không đủ sức bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Do đó muốn hiệu quả, phải thay đổi quy mô trở thành quỹ bảo lãnh tín dụng ở cấp T.Ư, nâng vốn điều lệ lớn, mới có khả năng đảm bảo để các ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên để làm được điều này phải sửa luật”, vị chuyên gia nói và cho rằng, đây chính là “vòng luẩn quẩn” vượt sức của hệ thống ngân hàng.



doanh nghiệp   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hiệp hội   Kinh tế   Ngân hàng   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   giá trị   kiến nghị   phát triển   sản xuất