28/09/2020 1:40  

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc ngồi nhiều có hại cho sức khỏe, thậm chí có người xem ngồi nhiều là một hình thức... hút thuốc mới.

Y học chứng minh ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, cao huyết áp. Nhưng đáng lo nhất, ngồi nhiều có liên quan đến ung thư. Cách đây 6 năm, một nghiên cứu tổng hợp xem xét 43 nghiên cứu đơn lẻ đã phát hiện những người ngồi nhiều sẽ tăng 24% nguy cơ ung thư ruột, 32% ung thư tử cung, 21% ung thư phổi so với những người vận động bất kể số lượng nào.

Nghe thế chắc hẳn những người làm văn phòng hoảng hốt vì họ thường phải ngồi nhiều giờ mỗi ngày xử lý công việc. Để giải quyết nỗi lo của giới văn phòng, vài năm qua có người đề xuất mô hình bàn làm việc không ghế ngồi, nghĩa là làm việc ở tư thế đứng thay vì ngồi. Song song đó, những cuộc hội họp cũng thay từ hình thức ngồi sang đi lại.

Cũng phải nói thêm, làm việc tư thế đứng không chỉ giúp phòng ngừa những vấn đề sức khỏe nói trên mà còn làm tăng hiệu suất công việc. Đơn giản vì trong ngồi và đứng, cơ thể sẽ thiêu đốt năng lượng với tốc độ khác nhau, dự trữ khác nhau và bộ não cũng hoạt động khác nhau. Một thực nghiệm tại Mỹ cho thấy những đứa trẻ học trong lớp ở tư thế đứng và đi lại sẽ cải thiện được 20% điểm trắc nghiệm so với lúc ngồi.

Nhưng nói vậy không phải cách ngồi nhiều nào cũng có hại sức khỏe như nhau. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học uy tín Journal of the American Heart Association năm qua đã giúp giới dân phòng thở phào khi cho thấy ngồi nhiều để làm việc không hại bằng ngồi nhiều khi xem TV.

Jeanette Garcia - Phó giáo sư về khoa học thể thao và tập luyện của đại học Central Florida (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu phát biểu: “Ngồi nhiều vì chây ỳ, lười biếng hại hơn ngồi nhiều để làm việc”.

Trong nghiên cứu, người ta hỏi gần 3.600 người Mỹ trưởng thành cập nhật số giờ họ ngồi làm việc, xem TV và tập luyện của nguyên năm trước. Những người này được theo dõi sức khỏe trong hơn 8 năm, trong thời gian này có 129 người xuất hiện bệnh tim mạch và 205 người tử vong.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố sức khỏe và lối sống của những người trên, nhà nghiên cứu phát hiện việc ngồi “thường xuyên hay luôn luôn” không tăng nguy cơ đáng kể mắc bệnh tim và tử vong. Thực tế, những người ngồi xem TV 4 giờ hay nhiều hơn mỗi ngày sẽ tăng 50% nguy cơ bệnh tim và tử vong so với người xem 2 giờ hay ít hơn.

Vì sao ngồi xem TV hại hơn ngồi làm việc? Người ta giải thích người ngồi xem TV thường kèm theo những thói xấu khác như uống bia rượu hay ăn vặt. Chưa kể xem TV trễ ban tối còn phá vỡ nhịp điệu ngủ tốt lành, dễ gây ra các bệnh tim mạch. Trong khi đó, ngồi làm việc lại không đi kèm với những tật xấu này. Garcia nói: “Nếu xem TV ít khi bạn đứng lên, nhưng ở văn phòng bạn thường phải đứng lên, trò chuyện với ai đó hay ra ngoài để uống nước. Ngắt quãng thời gian ngồi sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Những thông tin trên cho thấy ngồi nhiều rõ ràng có hại cho sức khỏe và người ta có thể làm giảm tác hại này bằng cách tăng cường thời gian vận động. Các chuyên gia y học đã gợi ý một số “mẹo” có lợi cho sức khỏe cho người phải ngồi nhiều như cứ mỗi giờ hãy đứng lên và đi vòng quanh văn phòng hoặc bước xuống đường rồi quay lên lại, nên đứng thay vì ngồi khi sử dụng xe buýt hay metro.

Dĩ nhiên, cách phòng ngừa tốt nhất là tăng cường tập luyện. Trong nghiên cứu trên, người ta thấy người bỏ ra ít nhất 150 phút mỗi tuần tập ở mức trung bình đến tích cực sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể so với người ngồi xem TV nhiều. Trong khi đó một nghiên cứu khác phát hiện một thông tin thú vị, chỉ cần thay 30 phút ngồi mỗi ngày bằng một hình thức vận động người ta cũng giảm được 17% nguy cơ tử vong. 



Sức khoẻ   bệnh tim mạch   tiểu đường