29/09/2020 14:26  

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, khu vực dịch vụ tăng 1,37%.

Tổng cục Thống kê nhận định đây là mức tăng GDP thấp nhất trong thập kỷ vừa qua (2011-2020). Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội của các quốc gia trên thế giới thì mức tăng trưởng GDP này là một thành công lớn trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. 

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,62% vào tăng trưởng GPD cả nước, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 53,35%, khu vực dịch vụ đóng góp 28,03%. Tính riêng trong quý III/2020, tăng trưởng GDP đạt 2,62%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%, khu vực dịch vụ tăng 2,75%.

Trong tháng 9-2020 cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 203.300 tỷ đồng, giảm 29,6%, số lao động đăng ký 83.000 lao động, giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.428.500 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 777.900 lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký, giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về xu hướng kinh doanh, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Bên cạnh đó, có 32,2% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý III tốt hơn quý II, có 31,9% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh ổn định. Đồng thời có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 71,83 tỷ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu. 

Tính riêng quý III, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý III đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất siêu 16,99 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD, khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất siêu 27,51 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019, riêng trong tháng 9 CPI tăng 0,12%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động việc làm quý III đã được cải thiện so với quý trước. Trong quý III có 1,3 triệu người thiếu việc làm, đây là những người làm việc dưới 35 giờ/tuần, giảm 81.400 người so với quý trước.



doanh nghiệp   Covid   Covid-19   USD   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ   phát triển   thành công