30/09/2020 8:30  

Thăng tiến nhờ chấp nhận làm việc từ vị trí thấp nhất

Hoàng Tiến Giao (32 tuổi) là cựu sinh viên marketing của Trường cao đẳng (CĐ) Kinh tế đối ngoại (tốt nghiệp năm 2009), hiện là Giám đốc chăm sóc khách hàng và kinh doanh của Tập đoàn Oglvy Việt Nam với khoảng 50 nhân viên, trong số đó đa số tốt nghiệp đại học (ĐH), thậm chí đi học từ nước ngoài về.
Tiến Giao cho biết: “Sau khi tốt nghiệp CĐ, mình chấp nhận làm rất nhiều công việc khác nhau, từ tổ chức sự kiện, sản xuất chương trình truyền hình đến các công việc liên quan đến truyền thông và sáng tạo nội dung, ở những vị trí thấp nhất. Đồng thời tiếp tục học liên thông theo hình thức vừa làm vừa học. Mình quan niệm mỗi giai đoạn phải hoàn thành một mục tiêu. Như khi tốt nghiệp THPT xong thì mình phải bắt đầu mục tiêu là học để có được một cái nghề, bậc ĐH hay CĐ không quan trọng. Vì hầu như nội dung kiến thức bây giờ các trường giống nhau đến 70%; quan trọng là mình chọn học gì và trong quá trình học đó mình có thái độ như thế nào, có nỗ lực để lĩnh hội kiến thức hay không”.
Theo anh Giao, khi nộp hồ sơ để tuyển dụng vào công ty hiện tại, công ty chú trọng đánh giá năng lực của anh thông qua quá trình làm việc trước đó, cũng như tinh thần học tập và thái độ với công việc, chứ không để ý tới bằng cấp.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Thanh (33 tuổi) tốt nghiệp ngành nhiệt lạnh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng năm 2008, hiện cũng đang làm giám đốc kinh doanh của Công ty Wilo Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp, Thanh đã được tuyển dụng vào một công ty chuyên thi công thiết kế điều hòa không khí. Thanh đã trực tiếp tham gia các dự án tòa nhà Bitexco và Timesquare. Lãnh đạo công ty thấy được năng lực của Thanh nên đã cất nhắc lên vị trí chỉ huy trưởng với nhiệm vụ như tư vấn, thiết kế, giám sát… Đến khi anh ứng tuyển vào công ty hiện tại, vì có kinh nghiệm nên ban đầu được giữ vị trí đại diện bán hàng, sau một năm được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh.
Với anh Đỗ Hải, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vinatex, thời gian đầu chỉ là công nhân của công ty, sau đó vì có năng lực nên anh được cử đi học Trường CĐ Công thương TP.HCM và một khóa học ngắn hạn về công nghệ may mới tại Czech và Slovakia. Sau đó anh tiếp tục làm ở các nhà máy, phòng kỹ thuật; lên chuyền trưởng, trưởng ca, quản đốc rồi phó giám đốc và hiện tại là giám đốc.
“Để làm tốt vị trí này, tôi nghĩ mình có lợi thế vì đã có kinh nghiệm từ những công việc nhỏ nhất, thấp nhất, không ngại khó, ngại khổ, có như vậy mới hiểu sâu sắc cái nghề của mình. Xuất phát điểm của bạn là gì, bằng cấp như thế nào không quan trọng bằng quá trình làm việc bạn có nỗ lực hay không”, anh Đỗ Hải nhìn nhận.

Giao vị trí quan trọng không dựa vào bằng cấp

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lưu Hoàn Thành, Tổng giám đốc Công ty dầu nhờn Indopetrol, cho biết: “Trong tuyển dụng, tùy vào nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, nếu cần nhiều thợ thì tuyển ở trường nghề, nếu cần kỹ sư để cơ cấu lên trưởng nhóm thì vẫn phải cần bằng cấp. Nhưng người có bằng cấp đó phải có năng lực thực sự. Các bạn nên nhớ rằng trường ĐH hay CĐ chỉ là nơi cấp bằng, năng lực thực tế thì phải dựa vào chính bạn. Chúng tôi vẫn ưu tiên người có năng lực chứ không phải người có bằng ĐH. Ngoài ra, thái độ làm việc, cách ứng xử với đồng nghiệp, khả năng tự học… cũng là các yếu tố cần có. Doanh nghiệp nước ngoài họ càng không quan trọng bằng cấp”.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Huy Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DACO Logistics, cho rằng khi tuyển dụng, doanh nghiệp không có sự phân biệt quá lớn ứng viên nào tốt nghiệp ĐH, ứng viên nào tốt nghiệp CĐ, trung cấp, mà cái quyết định nằm ở thái độ, năng lực làm việc thực tế.
“Nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài, khi cất nhắc một người lên vị trí cao họ không nhìn vào bằng cấp mà nhìn vào khả năng của nhân viên đó. Công ty tôi cũng giao chức vụ quan trọng cho người giỏi, không quan trọng người đó là cử nhân, thạc sĩ hay chỉ học trường nghề”, ông Hiền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Hiền, để có được những vị trí cao trong một doanh nghiệp, người lao động phải có tinh thần học tập suốt đời, nghĩa là thấy mình thiếu gì, cần bổ sung kiến thức gì cho công việc thì phải chủ động học tập. Có thể là học ở trường lớp, hoặc tự học qua mạng.
“Một người tốt nghiệp trường nghề hay ĐH, để có được thành công trong công việc, cũng là nhờ tinh thần học tập và nỗ lực vươn lên để bổ sung những thiếu hụt, chứ không phải tự dưng mà doanh nghiệp giao cho bạn chức vụ cao”, ông Hiền nhìn nhận.



doanh nghiệp   HCM   Kinh tế   Lãnh đạo   Nga   Tim   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   phát triển   sáng tạo   sản xuất   thành công   đầu tư