* Theo ông, nguyên nhân nào khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy cho vay mới?
- Doanh nghiệp không cần tiền, đây là nguyên nhân khiến ngân hàng không cho vay được và dẫn đến dư thanh khoản. Điều này, không chỉ thể hiện trên dư nợ tín dụng, mà còn thể hiện trên lãi suất liên ngân hàng hiện nay đứng ở mức rất thấp, gần như bằng 0%.
Doanh nghiệp chỉ vay khi cần tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng bây giờ, tăng trưởng kinh tế thấp, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản và họ chưa có hướng kinh doanh khả thi để vay tiền.
Hiện nay, những doanh nghiệp cần tiền thường có nợ đến hạn thanh toán, nhưng không có tiền trả nợ. Cũng có nhóm doanh nghiệp không cần tiền đầu tư cho sản xuất, kinh doanh vì quy mô của họ đã thu hẹp lại.
* Tình trạng ngân hàng dư thanh khoản hiện nay tương tự năm 2007-2008?
- Giai đoạn 2007-2008, liên quan đến dòng vốn nước ngoài vào ồ ạt, Việt Nam bỏ tiền mua ngoại tệ, tiền tăng trong lưu thông và không có biện pháp hút tiền về. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát cao của năm 2008.
Còn hiện nay, ngân hàng dư thanh khoản, có thể một phần do ngoại tệ tăng lên. Dự trữ ngoại hối tăng lên đến 92 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm và có thể tăng sát ngưỡng 100 tỷ USD vào cuối năm.
Phía ngân hàng nhiều khả năng đã mua vào trên dưới 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng đến nay chưa có con số chính xác là bao nhiêu, họ có áp dụng biện pháp trung hòa nào không và con số dự trữ đó có đáng tin cậy không ?
* Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi ngân hàng dư thanh khoản?
- Khi dư thanh khoản, ngân hàng sẽ tìm cách tiêu thụ để giảm lượng tiền xuống mức thấp. Trong trường hợp các doanh nghiệp vẫn không hấp thụ được, phía ngân hàng có thể sẽ giảm các điều kiện cho vay.
Một khi ngân hàng giảm lãi suất cho vay, dòng tiền đấy có thể đổ vào những lĩnh vực rủi ro, điển hình nhất là chứng khoán, bất động sản, thậm chí là vàng. Do đó, động thái này có thể gây ra rủi ro rất lớn về nợ xấu trong thời gian tới.
Một khả năng khác, nếu ngân hàng không lựa chọn cách thức trên, sẽ phải kéo huy động xuống để cân đối thanh khoản. Bởi vì, ngân hàng không thể tiếp tục huy động vốn với lãi suất 6-7% trong khi không thể cho doanh nghiệp vay tiền.
Thế nhưng, khi kéo lãi suất huy động xuống, khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ tăng lên, một lần nữa ngân hàng có thể lại gây ra rủi ro hạ các điều kiện tín dụng và đẩy tiền vào các kênh có rủi ro.
* Có khi nào phía ngân hàng chịu hi sinh một phần lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp đang cần tiền để vực dậy sản xuất?
- Ngân hàng có thể có thêm một dư địa khách hàng để cân đối huy động và cho vay, nếu chọn giải pháp giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp để kích thích khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng.
Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp không có khả năng duy trì doanh số, nên việc giảm lãi suất không nhiều ý nghĩa. Cho nên, ngay cả khi ngân hàng chịu hi sinh thì cũng chỉ một bộ phận doanh nghiệp có khả năng vay vốn.
Tín dụng không phải vấn đề có thể nói khơi khơi. Sẽ không thực tế nếu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 4% để trả lương cho công nhân trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thể dự liệu về tương lại, thu hẹp quy mô và không thể sản xuất.
* Theo ông, có mâu thuẫn nào không khi tăng trưởng kinh tế thấp, ngân hàng dư tiền và dự trữ ngoại hối tăng lên?
- Những vấn đề này liên quan đến chính sách tiền tệ. Khi đồng nội tệ có nguy cơ giảm giá do tác động dư tiền (buộc phải giảm giá và kéo theo lãi suất giảm) thì việc mua USD vào là giải pháp để can thiệp việc đồng nội tệ bị giảm giá. Nhưng đồng thời với nó phải có biện pháp trung hòa khi đẩy nội tệ ra mua ngoại tệ.
Nếu thiếu những biện pháp này, giá đồng nội tệ trên thị trường có thể tăng lên mức cao hơn trong bối cảnh ngân hàng đang thừa tiền và hoạt động sản xuất hàng hóa đang đình trệ, những yếu tố quan trọng dẫn đến lạm phát.
* Cảm ơn ông