29/09/2020 10:03  

Nghe lời đồn thổi về bài thuốc nam chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B, anh T.T.C đặt mua trên mạng về sử dụng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, anh C. bị hôn mê, phải thở máy.

Anh T.T.C, 40 tuổi, Bắc Giang được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng lơ mơ, vàng da, vàng mắt và không đi tiểu được. Theo người nhà, anh C. mắc viêm gan B từ 2 năm nay.

Kể từ khi phát hiện bệnh, anh vẫn đều đặn uống thuốc kháng virus do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, gần đây, nghe lời đồn thổi có loại thuốc nam chữa khỏi hẳn viêm gan B, anh C. đã đặt mua trên mạng về uống.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại tình trạng của bệnh nhân rất nặng, phải thở máy và tiên lượng khó khăn.

“Bệnh nhân xơ gan nặng trên nền viêm gan B. Hiện tại, chức năng gan của bệnh nhân rất xấu. Đáng chú ý, chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân còn bị ngộ độc do thuốc nam gây ra”, BS Cấp phân tích.

Bệnh nhân sẽ tiếp tục được hồi sức cấp cứu. Cùng với đó, các bác sĩ sẽ tìm căn nguyên ngộ độc cho bệnh nhân và thực hiện phương án giải độc (nếu có).

Chuyên gia này cũng cho biết, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân viêm gan B phải nhập viện vì tự ý dùng các bài thuốc nam, thuốc bắc được truyền miệng. Thậm chí, có trường hợp đã tử vong.

Theo BS Cấp, việc điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ giúp giữ chức năng gan, nói rộng ra là sức khỏe của bệnh nhân viêm gan B ở mức ổn định, dù có yếu hơn người bình thường. Ngược lại, nếu bệnh nhân tự ý điều trị bằng phương pháp không chính thống thì sẽ rất nguy hiểm.

“Bản thân chức năng gan của bệnh nhân đã bấp bênh. Do đó, khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài vào thì có thể đẩy bệnh nhân rơi xuống vực”, BS Cấp cho hay.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, bệnh nhân viêm gan B phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tỉnh táo trước những bài thuốc được thổi phồng công dụng.

“90% các trường hợp mắc viêm gan B cấp tính có thể khỏi được. Tuy nhiên, việc điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan B mạn tính là rất khó khăn. Do đó, những phương thuốc được quảng cáo là chữa khỏi viêm gan B mạn tính thì rất đáng nghi ngờ”, BS Cấp nhấn mạnh.

Bên cạnh việc điều trị bằng những bài thuốc không rõ nguồn gốc, một thực trạng thường gặp khác ở các bệnh nhân viêm gan virus là tự ý bỏ điều trị sau khi thấy bệnh đã ổn.

Về vấn đề này, BS Mai Đình Cửu, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích khi bỏ thuốc, virus đang bị ức chế bởi thuốc sẽ thoát ức chế và nếu bùng phát bệnh trở lại thì nặng hơn trước rất nhiều, có thể gây suy gan nặng, cấp tính và dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Thậm chí, nếu qua được thì bệnh nhân đối mặt với nguy cơ xơ gan và ung thư hóa gan. Với những người đã mắc ung thư gan nhưng có bệnh nền viêm gan siêu vi B, C thì việc bỏ thuốc kháng virus còn khiến cho bệnh ung thư diễn tiến nhanh hơn.

Theo thống kê, giai đoạn 2010-2016 tại Việt Nam có gần 25.000 ca mắc ung thư gan, thì có đến 2/3 số trường hợp có nhiễm virus viêm gan B, 1/4 trong số đó có viêm gan C. Hiện tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong quần thể của người Việt Nam chiếm 8-20%. Những người mắc viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn đến 15-20 lần so với người không mắc viêm gan B. 

Minh Nhật



Bệnh viện   Hà Nội   Trung ương  


Bài viết liên quan