Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 28 - 30/9. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và 350 đại biểu đại diện cho hơn 61.000 đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Theo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XV, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,83%, vượt Nghị quyết đề ra. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80,9 nghìn tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Cùng với đó, nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 5,18%; đến năm 2020 giá trị sản xuất đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh này có trên 7 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp tăng bình quân hằng năm 18%.
Từ năm 2016 đến 2020, toàn Đảng bộ tỉnh Gia Lai kết nạp hơn 12,6 nghìn đảng viên mới, vượt 0,17% so với Nghị quyết đề ra, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 61 nghìn…
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như kinh tế phát triển chưa bền vững; chưa có bước phát triển đột phá; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân cả nước; sản xuất nông nghiệp cơ bản nhỏ lẻ, phát triển theo chiều rộng, chưa có nhiều tiến bộ về hình thành các chuỗi giá trị; quản lý bảo vệ rừng còn bất cập; chưa có quyết sách, cơ chế phù hợp thúc đẩy công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch phát triển; giảm nghèo chưa thực sự bền vững; một bộ phận người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng sa, nhất là vùng căn cứ kháng chiến đời sống còn khó khăn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao; vẫn còn tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò tiền phong, gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm…
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội; Đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét. Cụ thể, Gia Lai có vị trí chiến lược ở Tây Nguyên, là điều kiện thuận lợi để phát triển. Với lợi thế của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nếp nghĩ, cách làm.
Cùng với đó, Gia Lai có diện tích rộng, đất đai, khí hậu thuận lợi, do vậy, cần tiếp tục xác định nông nghiệp là thế mạnh, phát triển nông nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để phát triển tỉnh nhà. Để phát triển tỉnh nhà nhanh và bền vững cần chú ý nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Cùng với đó, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Gia Lai là địa bàn chiến lược, cần chú trọng tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Gia Lai cần quan tâm công tác xây dựng Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phạm Hoàng
doanh nghiệp lãnh đạo Trung ương chiến lược doanh nghiệp du lịch giá trị lãnh đạo phát triển quy hoạch sản xuất tập trung