30/09/2020 8:30  

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để sớm vượt qua đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi kinh tế số

Diễn đàn thường niên cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF 2020) diễn ra ngày 29.9 quy tụ hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) bằng cả hình thức họp trực tiếp và trực tuyến. Năm nay, diễn đàn lấy chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Thay mặt cho đơn vị tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng điểm lại một số nét nổi bật, Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành nước thu nhập trung bình (thấp) vào năm 2010. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, theo ông Dũng những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19. Nhiều DN đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động; hàng loạt lao động bị mất, thiếu việc làm, thu nhập bị giảm sâu, gây khó khăn cho việc bảo đảm an sinh, ổn định xã hội. “Để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội như tôi đề cập ở trên, chúng ta nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau…”, ông Dũng gợi mở vấn đề.
Để phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch, Việt Nam cần làm gì? Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết có 2 xu hướng lớn, thứ nhất là những thay đổi trong hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu và thứ 2 là sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc. Do đó, Việt Nam cần chủ động để nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, đặc biệt thu hút vốn chất lượng cao. Chính phủ phải đẩy mạnh việc xây dựng cổng dữ liệu chung quốc gia, mã số định danh... tạo ra hệ thống sinh thái kỹ thuật số và tài chính toàn diện bao trùm làm nền tảng cho nền kinh tế không tiếp xúc.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”, TS Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ TT-TT, cho rằng Việt Nam mới đang giai đoạn ban đầu của chuyển đổi số, chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin trong Chính phủ. Còn bước quan trọng là kinh doanh số, xã hội số thì mới bắt đầu và vẫn còn là thách thức lớn. Ông Đường đặc biệt nhấn mạnh đến chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của khối DN nhỏ và vừa.
“Hiện nay các bộ ngành có rất nhiều chính sách tư vấn cho DN nhỏ và vừa. Đó là Bộ Công thương thì tư vấn về pháp luật xuất nhập khẩu; Bộ Tài chính tư vấn về thuế, kế toán... Nhưng sao chúng ta không cùng đưa lên nền tảng số. Theo đó, chỉ bằng 1 app trên ĐTDĐ thì có thể tư vấn được cho hàng trăm nghìn DN cùng một lúc”, ông Đường dẫn chứng, đồng thời kiến nghị để quá trình chuyển đổi số nhanh và thực chất thì nhà nước cần dành nguồn kinh phí lớn hơn, khoảng 1% tổng chi ngân sách thay vì hiện khoảng 0,3%, trong khi các nước ASEAN đều dành khoảng 1,3 - 1,5%.
TS Victor KwaKwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, đánh giá ngoài chuyển đổi số độ mở kinh tế của Việt Nam lớn nhưng mức độ tham gia thấp hơn Singapore, Thái Lan, Philippines rất nhiều. Năm 2018, Việt Nam tạo ra 20,4 tỉ USD khi tham gia chuỗi toàn cầu và xếp thứ 55/174 quốc gia, con số này chưa bằng 1/4 của Philippines với 84,8 tỉ USD và xếp thứ 34.
“Việt Nam đúng là đang tiến bước, cởi mở, đi đúng hướng nhưng vẫn còn đi sau rất nhiều so với một số nước tương đương trong khu vực”, bà KwaKwa nói và khuyến nghị: Việt Nam cần chuẩn bị tốt để phục hồi nhanh, cần chuẩn bị trạng thái bình thường mới trong chuỗi cung ứng giá trị thương mại toàn cầu, xây dựng chiến lược chủ động hướng và thu hút nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp

Về những giải pháp trước mắt mà trực tiếp đối với cộng đồng DN, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, cho rằng các hành động cần ưu tiên cao nhất là DN phải tối ưu hóa hoạt động có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát. Theo đó, cần rà soát tối ưu hóa dòng tiền chi ra, đối chiếu công nợ để xây dựng phương án thu hồi, giãn nợ hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nhận diện lại khách hàng và thị trường khi nhu cầu, hành vi và phương thức đã thay đổi bởi đại dịch.
Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 ở Việt Nam gây ảnh hưởng đến tất cả các khu vực kinh tế. Để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn. Cụ thể, phải đẩy thật nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.
Trước đó, bàn về giải pháp để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”, theo Bộ trưởng KH-ĐT, cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế. Trong đó, chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới. Giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước với gần 100 triệu dân và tâm thế vượt khó của cộng đồng DN trong nước.



doanh nghiệp   lãnh đạo   Chính phủ   Covid   Covid-19   Ngân hàng   Tài chính   USD   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chính sách   cuộc sống   diễn đàn   doanh nghiệp   giá trị   hành vi   kiến nghị   kế toán   lãnh đạo   lãnh đạo   phát triển   sản xuất   thực phẩm   trực tuyến   đầu tư