Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) đang chịu tác động bởi sự suy giảm kinh tế, lạm phát, sinh kế cá nhân và những lo ngại về chăm sóc sức khỏe. Việc tái thiết lập giỏ hàng, lối sống tại nhà, động lực mua sắm và khả năng chi tiêu là 4 xu hướng định hình trạng thái tương lai của ngành FMCG.
Theo nghiên cứu mới công bố của Nielsen, NTD có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm phù hợp với lối sống ở nhà. Đây là một trong bốn xu hướng tiêu dùng sẽ góp phần định hình lại thị trường ngành hàng FMCG trong tương lai. Theo đó, trong danh sách người mua hàng kiểu “tái thiết lập mới”, hành vi mua sắm sẽ có những thay đổi đáng kể về danh mục hàng hoá, mua hàng lý trí thay vì cảm tình và dựa trên việc đánh giá khả năng chi trả.
Tại khu vực Đông Nam Á, doanh số các ngành hàng FMCG đã giảm đáng kể so với năm trước. Cụ thể, các loại thức uống có cồn giảm 9%, chăm sóc sức khỏe giảm 3%, hàng chăm sóc cá nhân giảm 5% và nước giải khát giảm 8%. Hiện NTD xem xét kỹ lưỡng và giảm thiểu chi tiêu do tác động của đại dịch. Giỏ hàng FMCG đang được tái thiết lập và NTD xem xét kỹ lưỡng hơn các sản phẩm FMCG thiết yếu trong thời gian sắp tới.
Ông Scott McKenzie - Trưởng bộ phận Nielsen Intelligence Unit toàn cầu cho rằng, các quyết định của NTD sẽ được dung hòa dựa trên thói quen mua sắm lâu đời với thực tại mới ngày nay, nơi mà các ưu tiên về giá trị và sức khỏe cạnh tranh song song nhau.
Không chỉ xem xét kỹ hơn trong việc mua hàng, hiện đã có sự thay đổi trong cách mua sắm khi NTD chú ý đến kích cỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, thói quen tự làm mọi việc và nhu cầu trải nghiệm thương hiệu tại nhà vẫn tồn tại ngay cả khi kết thúc hạn chế xã hội và các cửa hàng mở cửa lại tại nhiều thị trường Đông Nam Á.
Chính lối sống tại nhà gia tăng sẽ định hình lại thị trường FMCG trong thời gian tới. Cụ thể, tại Philippines, 24% NTD đã thay đổi kích thước bao bì với mong muốn tìm kiếm sản phẩm FMCG phù hợp với lối sống ở nhà nhiều hơn. Tại Việt Nam, 82% NTD cho biết sẽ giảm tiêu thụ bên ngoài, dẫn đến doanh thu tăng cao của các ngành hàng sợi ăn liền (tăng 14,1%), xúc xích tiệt trùng (tăng 17,9%), thực phẩm chế biến món ăn (tăng 7,4%) và mayonnaise (tăng 31%).
Có đến 83% NTD tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết đã cắt giảm chi tiêu trong quý II/2020 (so với 73% trong quý IV/2019 trước thời kỳ đại dịch). Trong số những NTD được khảo sát đã thay đổi chi tiêu, hơn 30% cho biết họ chi tiêu ít hơn cho các bữa ăn mang đi, giải trí, du lịch và quần áo mới. NTD tìm đến các sản phẩm tiêu dùng nhanh với những sự “xa xỉ nho nhỏ” để thỏa mãn những nhu cầu mới giải trí nổi lên và lấp đầy khoảng trống về sự hạn chế.
Với thu nhập sụt giảm, NTD sẽ ưu tiên cho các nhu cầu về sức khỏe và giá trị. Sự ưu tiên về kênh mua sắm cũng thay đổi như một tiêu chuẩn mới trong tâm trí của NTD. Tại Malaysia, các siêu thị nhỏ ngày càng trở nên quan trọng với doanh số bán hàng tăng gần 18% trong tháng 6/2020 (so với 9% năm ngoái) vì các cửa hàng này mang đến khả năng tiếp cận gần nhà cho nhu cầu mua tạp hóa hàng ngày với mức giá mong muốn so với các cửa hàng lớn ở xa.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, kênh bán hàng hiện đại ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái (+13% doanh số bán hàng so với năm ngoái) với số lượng cửa hàng gia tăng (+35% số lượng cửa hàng), dẫn đầu là hình thức siêu thị mini (+51%).
Các chuyên gia cho rằng, khi NTD trở nên sáng suốt hơn trong quyết định mua hàng, các công ty FMCG cần phải suy nghĩ về việc cung cấp những sản phẩm phù hợp với ưu tiêu của NTD, đơn giản hóa việc mua sắm đa kênh và nâng cao trải nghiệm mua sắm trong thực tế mới.