Nỗ lực giữ chân khách hàng
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, từ khi dịch Covid-19 lần hai bắt đầu, đến nay đã có hơn 35.000 chương trình du lịch gồm tour trọn gói, tour tự chọn, các dịch vụ khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan... của các doanh nghiệp bị hủy, hoãn.
Theo các chuyên gia, đợt dịch bệnh này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn gấp bội, thậm chí sẽ có làn sóng doanh nghiệp phá sản bởi trước khi có đợt bùng phát dịch lần hai, doanh nghiệp ngành du lịch đã cực kỳ khó khăn. Theo các công ty du lịch, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, rất cần nhiều cánh tay nối dài từ chính sách hỗ trợ, khách hàng đến sự liên kết giữa các công ty trong lĩnh vực. Đơn cử, chỉ cần 20% khách hàng đặt cọc mua tour trong nước trong vòng một năm sẽ giúp cho doanh nghiệp lữ hành tránh được nguy cơ phá sản trong mùa dịch. Để “cứu mình”, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tung ra nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ và giữ chân khách hàng. Đơn cử, khi đứng trước tình thế có 22.000 lượt khách hủy tour, Công ty Vietravel đã xoay chuyển tình thế, biến nguy thành cơ bằng cách đưa ra các chính sách khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng chuyển tour tuyến sang các điểm đến an toàn khác, nhờ đó mà công ty đã giữ chân được hơn 15.000 khách.
Thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách hàng cũng đã đồng ý hoãn lịch trình hay thay đổi điểm đến hoặc giữ tour, thay vì hủy tour hoặc rút tiền cọc. Ông Lại Minh Duy - Tổng giám đốc Công ty Du lịch TST cho biết: “Công ty có khoảng 5.000 khách trong tháng 8 này nhưng sau khi dịch trở lại, chỉ có 5% khách đòi hủy tour và có gần 100 đoàn khách cũng đồng ý thay đổi thời gian hoặc chọn thời điểm an toàn khác nên công ty cũng giảm bớt khó khăn”.
Trông chờ chính sách
Mặc dù đợt dịch lần hai bùng phát, doanh nghiệp du lịch ứng phó bình tĩnh hơn nhưng nỗi lo lớn nhất của các công ty này là lo ngại mất nhân lực. Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực khi chi phí tuyển dụng và đào tạo cao khiến việc quay lại thị trường càng khó khăn hơn.
Đại diện Công ty Vietravel cũng cho biết, sau đợt dịch đầu tiên, nhân sự ngành du lịch bị bào mòn rất nhiều. Trước tháng 8, chỉ 3/5 lực lượng lao động của Vietravel đi làm lại, 1/5 vẫn đang ở nhà chờ việc, còn lại đã chuyển việc khác. Và khi dịch tái bùng phát, khả năng số nhân viên mới được trở lại làm sẽ bị giảm tiếp.
Các doanh nghiệp lữ hành khác cũng gần như không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo và điều cần nhất lúc này là hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ và vừa nên chỉ cần khoản vay vài trăm triệu đồng là đã có thể giúp trả tiền thuê mặt bằng và duy trì nguồn nhân sự cơ hữu. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không vay được dù trước đó đã ký quỹ hàng trăm triệu đồng trong ngân hàng để có thể hoạt động.
Theo quy định, trước khi hoạt động, doanh nghiệp khai thác tour nội địa sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng; doanh nghiệp khai thác tour nước ngoài, đón khách quốc tế đến Việt Nam ký quỹ 500 triệu đồng. Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản và dòng tiền do dịch, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách cho vay ưu đãi lại khoản tiền ký quỹ này để doanh nghiệp có dòng tiền góp phần trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động, hoặc doanh nghiệp ký quỹ ở ngân hàng nào thì được vay lại ở đó với lãi suất ưu đãi hoặc được hoàn thuế thu nhập cá nhân khoảng 20-30% trong ba năm gần nhất, như vậy doanh nghiệp sẽ có dòng tiền để tiếp tục phục hồi sau dịch.
Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp cũng cho rằng chưa đến được với nhiều doanh nghiệp du lịch. Cụ thể, các tiêu chí để doanh nghiệp hưởng chính sách rất khó khăn, trên địa bàn TP.HCM chưa tới 10 hướng dẫn viên được trợ cấp từ gói này.
Về phía Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi để trả lương nhân viên; gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; áp dụng chính sách giảm giá điện bán lẻ cho ngành sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến hết năm 2020 thay vì chỉ ba tháng như hiện nay.
Tìm cách xoay xở
Để duy trì hoạt động và... có thu nhập nuôi nhân viên, nhiều công ty du lịch đã tìm cách xoay sở bằng một phương án kinh doanh mới. Những ngày gần đây, trên trang chủ website của Công ty Du lịch Việt xuất hiện nhiều thông tin chia sẻ về khẩu trang y tế chất lượng với giá bình ổn.
Ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt cho biết: “Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, công ty đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động du lịch. Tận dụng mối quan hệ trong ngành du lịch, chúng tôi đã nhập khẩu máy móc và hợp tác với một công ty đối tác để phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần”.
Hàng trăm nhân sự dồn sức để làm khẩu trang, từ sắp xếp, đóng hộp sản phẩm đến trực tiếp bán hàng, tư vấn cho khách hàng với hy vọng có thể ký hợp đồng nhiều hơn và duy trì công ăn việc làm cho nhân viên đến hết năm. “Hiện tại chúng tôi sản xuất 100% tại Việt Nam, công suất khoảng 5 triệu khẩu trang/ngày”, ông Long tiếp. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, lúc đầu công ty cũng không nghĩ sẽ đầu tư nhiều và biến khẩu trang thành mặt hàng chủ lực những dịch bệnh kéo dài nên đã đầu tư hẳn một nhà máy để sản xuất lớp vải không dệt vốn chiếm 2/3 giá thành một chiếc khẩu trang”.
Ngoài Du lịch Việt, nhiều công ty ngành du lịch cũng đang tìm hướng xoay sở, tìm thêm nguồn doanh thu bằng cách mua bán thêm khẩu trang nhựa phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch. Chia sẻ trên VnExpress, ông Hoàng Đức Huy - CEO TransViet Travel cũng cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, doanh thu từ kinh doanh nông sản đã giúp công ty ổn định, vì vậy công ty đang tập trung đẩy mạnh mảng nông sản. Về phía các đơn vị lưu trú, một số khách sạn, resort cũng thay đổi mô hình kinh doanh như việc cho người dân địa phương vào sử dụng nhà hàng, quán cà phê, hồ bơi của khách sạn - vốn trước nay chỉ dành cho du khách nghỉ dưỡng, hoặc lấy thế mạnh các đầu bếp riêng và món ăn đặc sản của khách sạn để cung cấp dịch vụ ăn uống, thực phẩm tươi sống và tăng dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách.